Cuối tuần trước, hơn 1.000 công nhân may Công ty TNHH Nobland Việt Nam tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12) ngừng việc phản đối nhà máy chuyển từ trả lương thời gian sang sản phẩm. Sau hai ngày giằng co, phía công ty chấp nhận tiếp tục thực hiện hình thức chi trả như cũ, tức công nhân nhận một mức lương cố định được thỏa thuận trên hợp đồng khi làm đủ 8 tiếng. Nhà máy chỉ thí điểm tính lương theo sản phẩm vào tháng 3/2022 với những người đồng ý, sau đó sẽ điều chỉnh dần.
Với cách tính mới, tất cả công nhân Nobland Việt Nam mỗi tháng sẽ nhận mức lương cơ bản gần 5 triệu đồng và các khoản trợ cấp hơn 150.000 đồng. Ngoài ra, họ sẽ được chia thưởng năng suất dựa trên mức độ hoàn thành công việc của cả chuyền và từng người. Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ bao gồm lương cơ bản và thưởng năng suất. Hàng năm, trên cơ sở thương lượng với công đoàn, doanh nghiệp cũng sẽ điều chỉnh lương cơ bản theo quy định.
Ông Im Won Tae, Phó tổng giám đốc Công ty Nobland, nói sau 19 năm áp dụng lương thời gian, giờ đây nhà máy phải trả theo sản phẩm mới có thể tồn tại. Năm 2002, khi đầu tư vào Việt Nam doanh nghiệp xây dựng quy chế trả lương thời gian, mỗi năm tăng 5-10%. Những công nhân gắn bó từ ngày đầu đến nay đã đạt mức lương trên 10 triệu đồng. Trong khi đó, suốt 10 năm đơn giá sản phẩm mà khách hàng ký với doanh nghiệp chỉ tăng tổng cộng 5%.
"Một trong hai nhà máy của chúng tôi đã đóng cửa vì không chịu nổi áp lực tài chính", ông Im Won Tae thông tin. Khoảng 85% công nhân đang làm việc ở công ty là lao động trẻ - lực lượng sản xuất chính của nhà máy. Đa số có thời gian làm việc dưới 5 năm nên thu nhập thấp. Nhận lương theo thời gian nên số lao động trẻ không có động lực dốc sức làm việc, để giúp nhà máy tăng sản lượng, bù đắp chi phí nhân công ngày một tăng.
Lãnh đạo Nobland Việt Nam nói khi trả lương theo sản phẩm, khoảng 15% công nhân đã làm trên 10 năm sẽ thiệt thòi vì trước mắt lương cơ bản bị giảm. Những trường hợp không "chạy" nổi sản lượng có thể phải chọn công việc khác phù hợp. "Chúng tôi mong lao động có thâm niên chia sẻ để nhà máy không phải đóng cửa và giúp công nhân trẻ có cơ hội tăng thu nhập", ông Im Won Tae nói.
Tính lương theo sản phẩm là một trong ba cách chi trả ở các doanh nghiệp trong ngành dệt may bên cạnh trả theo thời gian và bán sản phẩm, tức lao động vẫn nhận lương cơ bản làm trong 8 tiếng làm việc, thưởng thêm nếu vượt năng suất. Theo tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, hiện 51% lao động nữ trong ngành dệt may nhận lương sản phẩm, tỷ lệ này ở nam là 43%.
Bà Chi cho hay phương thức trả theo sản phẩm xu hướng ngày càng phổ biến nhưng nhiều nước không khuyến khích. Về mặt tích cực, cách tính này thúc đẩy tăng năng suất lao động, đặc biệt ở những ngành đơn giản. Người lao động "ăn" lương sản phẩm có năng suất trung bình cao hơn 45% so với lương thời gian. Nếu doanh nghiệp đang cạnh tranh về giá, tức phải chào hàng giá thấp nhất, thời gian giao hàng nhanh nhất sẽ chọn trả lương sản phẩm cho người lao động.
Ngược lại, để đạt được năng suất cao, người lao động phải dốc hết sức, làm nhiều, nhanh, cắt giảm thời gian "chết". Rất nhiều công nhân khi được hỏi đã trả lời không dám đi uống nước, đi vệ sinh hay đứng dậy vặn vẹo người cho đỡ mỏi vì sợ tốn thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
"Về lâu dài, người lao động được tính lương theo sản phẩm không có lợi", bà Chi nhận định. Các khảo sát về khả năng lao động đã tính toán, một công nhân ở doanh nghiệp dệt may, da giày, lắp ráp điện tử... năng suất đạt mức tối đa sau 2-3 năm. Nếu sức khỏe tốt, người này sẽ duy trì năng suất 10-15 năm, sau đó khả năng làm việc xuống dần. Khi người lao động tạo ra giá trị sản phẩm thấp hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ bị doanh nghiệp xem xét chấm dứt hợp đồng.
Phân tích vấn đề của Nobland, bà Chi nói nhà máy gặp tình huống lao động lớn tuổi năng suất giảm nhưng chi phí lương cho nhóm này lại cao. Điều này buộc công ty phải xem xét lại cách chi trả. "Lúc này những người gắn bó 10-15 năm, năng suất lao động cao nhất dành cho nhà máy lại chịu thiệt thòi và khả năng thu nhập của họ sẽ giảm chỉ còn bằng mức tối thiểu", bà Chi nói.
Luật không cấm nhưng theo bà Chi, khi muốn thay đổi cách trả lương, nhà máy nên làm từng bước chứ đừng thực hiện đột ngột. Việc chuyển đổi chi trả nên từ lương thời gian sang bán sản phẩm và phải có sự bù đắp, hỗ trợ nhóm gắn bó lâu năm, cụ thể cộng thêm thâm niên. Sau đó, nhà máy mới dần chuyển đổi tiếp mô hình để phù hợp thực tế của doanh nghiệp.
Ông Liêu Quang Vinh, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Freetrend Việt Nam, ở Khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức) với trên 21.000 công nhân được trả lương theo thời gian, nói rằng hàng năm ngoài điều chỉnh theo lương tối thiểu vùng, nhà máy vẫn tăng lương 5% cho công nhân. Doanh nghiệp khuyến khích công nhân gắn bó nên người làm đủ 10 năm được tặng một chỉ vàng, thư cảm ơn của tổng giám đốc.
"Trả lương theo sản phẩm, công nhân hay làm dối, thao tác ẩu để đẩy nhanh sản lượng", ông Vinh nhìn nhận. Ngược lại công nhân lâu năm với lương thâm niên sẽ gắn bó, phần nào giúp nhà máy tránh tình trạng thiếu lao động. Để khắc phục tình trạng lao động lớn tuổi làm chậm, sản lượng thấp, các chuyền thường bố trí đủ các độ tuổi nhằm bổ trợ cho nhau.
Hiện, nhiều doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam như Việt Thắng Jean, Quốc tế Phong Phú, Việt Tiến... chọn cách trả lương theo sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho nhóm lao động lớn tuổi. Những công nhân lớn tuổi, tay nghề cao được bố trí làm nhưng công đoạn khó, cần độ chính xác, tỉ mỉ, đề cao chất lượng hơn số lượng. Doanh nghiệp vẫn có phụ cấp thâm niên, tổ chức thi nâng bậc thợ để tăng lương cho lao động bất kỳ độ tuổi nào.
Lê Tuyết