Từ tháng 8, nhiều người theo dõi các kênh của Wolfoo trên nền tảng YouTube cho biết đã không còn thấy sự xuất hiện của một số video phổ biến trước đó. Trên một số kênh YouTube của nhân vật này như Wolfoo Family, Wolfoo Channel, Wolfoo's Story, các video mới nhất được đăng tải từ tháng 6, sau đó không xuất hiện thêm nội dung mới.
Theo thống kê trên công cụ Social Blade, trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10, ba kênh trên đều bị trừ từ 2 đến 3 tỷ lượt xem. Trên YouTube, việc kênh bị mất số lượt xem thường đến từ việc video bị ẩn hoặc xóa khỏi nền tảng.
Ngày 22/10, đại diện Sconnect, nhà sản xuất nhân vật hoạt hình sói Wolfoo xác nhận việc này và cho biết đã thiệt hại khoảng 2 triệu USD từ việc bị xóa video và chặn đăng nội dung mới. "Con số thiệt hại tiếp tục tăng lên từng giờ", người này cho biết.
Vì sao video sói Wolfoo bị xoá?
Theo Sconnect, việc bị xóa là do các nội dung của đơn vị này sản xuất đăng trên YouTube bị Entertainment One - chủ sở hữu nhân vật Peppa Pig - đánh bản quyền.
"Entertainment One mạo nhận các video này là sản phẩm phái sinh từ Peppa Pig để khiếu nại với YouTube. Phía YouTube chấp nhận mọi yêu cầu đánh bản quyền của Entertainment One và tiến hành xóa video Wolfoo", đại diện Sconnect nói và cho rằng cả Entertainment One và YouTube "đều thực hiện sai chính sách của YouTube".
Trước đó, Entertainment One nộp đơn kiện lên tòa án tại Nga và Anh, cáo buộc "sói Wolfoo" là nhân vật làm lại từ "lợn Peppa", đồng thời có sử dụng phong cách nghệ thuật, hiệu ứng âm thanh của công ty. Tuy nhiên tòa án tại Nga đã hủy vụ kiện hồi tháng 7, trong khi tòa án tại Anh chưa thụ lý đơn kiện. Sconnect cho biết Entertainment One đã sử dụng đơn kiện chưa được thụ lý để đánh bản quyền các video Wolfoo.
Trong phản hồi đầu tiên về vấn đề này, Entertainment One (eOne) khẳng định việc ẩn hoặc xóa video là do YouTube. "Việc chặn xóa một số video trong bộ phim hoạt hình Wolfoo không phải quyết định của eOne hay bất cứ bên nào khác, mà là của YouTube", eOne viết trong văn bản gửi đến bốn Bộ của Việt Nam mới đây.
Theo eOne, điều khoản của YouTube cho phép bất cứ chủ sở hữu bản quyền nào cũng có quyền nộp khiếu nại cho nền tảng đề nghị xóa hoặc chặn nội dung nếu thấy nội dung đó có vi phạm. Sconnect sử dụng dịch vụ của YouTube, tức đã đồng ý với các điều khoản dịch vụ của nền tảng. "Hành động của YouTube cho thấy chúng tôi đã khiếu nại đúng quy định", eOne khẳng định.
Phản hồi cáo buộc của cả hai bên, hôm 22/10, YouTube khẳng định nền tảng không làm trung gian cho các vụ khiếu nại bản quyền, mà chỉ đưa ra cho các bên công cụ để tự bảo vệ.
"Chúng tôi cung cấp cho chủ sở hữu bản quyền các công cụ để bảo vệ bản quyền, cũng như cho người đăng tải video những công cụ kháng nghị các yêu cầu bảo vệ bản quyền không chính xác", đại diện YouTube cho biết.
Làm sao để khôi phục video?
Theo YouTube, nếu bị cảnh báo vi phạm, chủ kênh có ba cách để khắc phục, gồm: chờ cảnh báo hết hạn sau 90 ngày; đề nghị bên khiếu nại rút đơn; và gửi thông báo phản đối.
Sconnect cho biết, hệ thống kênh Wolfoo của công ty đã được "gỡ gậy" cho 195 video. Tuy nhiên vẫn còn gần 2.000 video bị đánh dấu vi phạm và bị hạn chế.
"Việc YouTube khóa gần 2.000 video Wolfoo gây thiệt hại rất lớn cho Sconnect. Đây là việc tranh chấp điển hình của dịch vụ số xuyên biên giới trên các nền tảng toàn cầu. Nếu các bên cùng vào cuộc và làm tốt sẽ có được bài học kinh nghiệm để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động xử lý trong tương lai", ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam VDCA, đánh giá.
Sconnect ra đời năm 2014, chuyên sản xuất video trên nền tảng xã hội. Hệ thống kênh YouTube liên quan đến Wolfoo của Sconnect hiện có 19 kênh, với tổng cộng hơn 56 triệu lượt đăng ký và thu hút hơn 18 tỷ lượt xem.
Peppa Pig là nhân vật hoạt hình có xuất xứ từ Anh, ra đời từ năm 2004 và được phát sóng dưới dạng phim truyền hình trước khi được đưa lên các nền tảng mạng xã hội.
Lưu Quý