Tình trạng tảo hôn phổ biến từ lâu tại nhiều cộng đồng các nước châu Á như Indonesia, Ấn Độ và Pakistan, nhưng số lượng các vụ tảo hôn đã giảm dần nhờ sự tuyên truyền giáo dục và hỗ trợ y tế của các tổ chức từ thiện.
Tuy nhiên, những tiến bộ này đang bị mai một do tác động của Covid-19. Đại dịch đẩy nhiều triệu người vào cảnh thất nghiệp khiến các bậc cha mẹ phải vật lộn để nuôi sống gia đình.
"Tất cả những thành tựu mà chúng tôi đạt được trong thập kỷ qua đang bị mai một", Shiprea Jha, người đứng đầu khu vực châu Á của tổ chức phi chính phủ Girls Not Brides (GNB-Trẻ em gái không phải là cô dâu) tại Ấn Độ, nói. "Nạn tảo hôn bắt nguồn từ bất bình đẳng giới và gia trưởng. Hai nguyên nhân này càng phức tạp hơn trong thời đại Covid-19".
Đói nghèo, thiếu giáo dục và bất ổn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tảo hôn ngay cả trong thời kỳ ổn định, khủng hoảng càng làm vấn đề trầm trọng hơn. Theo Liên Hợp Quốc, toàn cầu ước tính mỗi năm có khoảng 12 triệu trẻ em gái kết hôn trước năm 18 tuổi.
GNB cảnh báo nếu các nước không thực hiện khẩn cấp các biện pháp giải quyết tác động của Covid-19 đến kinh tế xã hội, sẽ có thêm 13 triệu vụ tảo hôn nữa trong thập kỷ tới.
Tại châu Á, các tổ chức từ thiện cho hay cơn bão tảo hôn đã bắt đầu, ước tính hàng chục nghìn người đã bị ảnh hưởng dù chưa có dữ liệu đối chiếu.
"Số vụ tảo hôn tăng lên trong thời kỳ phong tỏa do Covid-19. Thất nghiệp và mất việc làm tràn lan. Các gia đình hầu như không đủ sống, vì vậy họ nghĩ rằng cách tốt nhất là để con gái nhỏ đi lấy chồng", Rolee Singh, người điều hành chiến dịch "Một bước ngăn chặn nạn tảo hôn" của Ấn Độ, nói.
Muskaan, 15 tuổi, bị bố mẹ ép cưới anh chàng 21 tuổi hàng xóm. Bố mẹ cô bé đều làm nghề quét rác ở Varanasi, Ấn Độ, phải nuôi 7 đứa con.
"Bố mẹ cháu rất nghèo, họ còn có thể làm gì khác? Cháu đã đấu tranh hết sức nhưng cuối cùng phải nhượng bộ", cô bé vừa khóc vừa nói.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cảnh báo nạn bạo hành trẻ em gái và nguy cơ bị cưỡng bức trẻ vị thành niên "có thể trở thành mối đe dọa lớn hơn nCoV".
Khi giáo dục được cho là nền tảng trung tâm trong cuộc chiến chống tảo hôn, các nhà hoạt động cảnh báo lệnh phong tỏa đang khiến hàng trăm triệu trẻ em phải nghỉ học và trẻ em gái ở những khu vực nghèo nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hồi đầu tháng, 275 cựu lãnh đạo toàn cầu, chuyên gia giáo dục và nhà kinh tế, đã kêu gọi chính phủ các nước và những tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới đảm bạo Covid-19 không tạo ra "một thế hệ Covid-19 cướp đi giáo dục và cơ hội bình đẳng của các em".
"Nhiều em trong số này là trẻ gái vị thành niên. Các em được đến trường và đi học là cách tốt nhất để chống lại nạn tảo hôn cũng như là hy vọng về một cuộc sống mở ra nhiều cơ hội", trích thư ngỏ có chữ ký của nhiều quan chức, bao gồm cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon, giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Carol Bellamy, cựu thủ tướng Pakistan Shaukat Aziz, cựu thủ tướng Anh Gordon Brown và Tony Blair.
Ở Ấn Độ, các nhà hoạt động cho hay số vụ gia đình ép trẻ kết hôn gia tăng vì coi đó là giải pháp cho khó khăn tài chính do Covid-19 gây ra, mà không nhận thức được nó gây hậu quả thế nào với trẻ em gái.
"Chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều vụ tảo hôn vì bên nhà trai chu cấp tiền hoặc hỗ trợ dưới một số hình thức. Những gia đình này không hiểu biết về khái niệm buôn người, đó là xu hướng đáng lo ngại", Singh nói.
Jha, người đứng đầu GNB, đồng ý rằng áp lực kinh tế là một phần của vấn đề, nhưng nhấn mạnh nạn tảo hôn rất phức tạp, đặc biệt ở châu Á, nơi nhiều người quan niệm nghỉ học sẽ khiến thanh thiếu niên rảnh rỗi quay sang yêu đương và làm mất danh dự gia đình.
"Nỗi sợ lớn nhất của các gia đình là con gái trong nhà có thể gần gũi với một cậu trai nào đó, bắt đầu tìm hiểu tình dục hoặc mang thai. Tình huống này luôn đi liền danh dự gia đình", cô nói.
Cô cho hay vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi chính phủ chuyển nguồn lực từ các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản sang cuộc chiến chống Covid-19.
Cơ quan kế hoạch hóa gia đình Indonesia cảnh báo quốc gia có dân số 270 triệu người này có thể chứng kiến làn sóng sinh nở bùng nổ vào năm tới, do trường học đóng cửa và cơ hội tiếp cận các biện pháp tránh thai bị hạn chế.
Lia, 18 tuổi, dù chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã bị ép lấy chồng hai lần. Lần đầu cô bị ép khi người ta nhìn thấy Lia ở một mình cùng một người đàn ông không phải họ hàng. Đây là điều cấm kỵ ở Tây Sulawesi, khu vực Hồi giáo bảo thủ nổi tiếng ở Indonesia. Cộng đồng ép Lia lấy người đàn ông hơn cô tới ba giáp.
Lia trốn thoát khỏi tình huống bất hạnh ấy và tìm được tình yêu mới, nhưng ước mơ về sự nghiệp bay cao lần nữa bị gác lại. Do ít được tiếp cận với kiến thức kế hoạch hóa gia đình, Lia dính bầu trong thời gian phong tỏa. Gia đình bắt cô lấy anh người yêu 21 tuổi.
"Tôi từng mơ trở thành tiếp viên hàng không", Lia nói.
"Nhưng cô ấy thất bại và kết thúc trong góc bếp", Randi, người chồng mới của Lia, ngắt lời.
Indonesia, quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới, năm ngoái nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp từ 16 lên 19 với cả hai giới, nhằm giải quyết vấn đề này. Nhưng lỗ hổng vẫn còn, bởi các tòa án tôn giáo địa phương có thể bức hôn.
Các nhà chức trách Hồi giáo của Indonesia cho phép hơn 33.000 vụ tảo hôn trong nửa đầu năm nay, so với tổng số 22.000 vụ cả năm 2019, theo Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Indonesia.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cũng tuyên bố sẽ nâng độ tuổi kết hôn của Ấn Độ từ 18 lên 21, nhưng tổ chức GNB cho rằng những động thái này rất khó thực thi bởi không giải quyết được nguyên nhân sâu xa.
UNICEF khẳng định chấm dứt nạn tảo hôn sẽ phá vỡ vòng đói nghèo luẩn quẩn nhiều đời nay.
"Trẻ em gái được trao quyền và được giáo dục đầy đủ sẽ có năng lực nuôi nấng và chăm sóc con cái tốt hơn, tạo ra những gia đình nhỏ và an khang hơn. Khi trẻ em gái được phép sống đúng lứa tuổi, mọi người đều chiến thắng", trích tuyên ngôn của UNICEF.
Hồng Hạnh (Theo AFP)