Theo luật hôn nhân sửa đổi được các nghị sĩ Indonesia thông qua hôm 16/9, độ tuổi được phép kết hôn ở nữ giới tăng từ 16 lên 19, ngang với tuổi kết hôn tối thiểu của nam giới.
Tuy nhiên, nhiều gia đình cũng có thể yêu cầu tòa án tôn giáo hoặc giới chức địa phương cho phép con gái họ lấy chồng ở độ tuổi nhỏ hơn và những trường hợp này không bị điều chỉnh bởi luật mới.
Indonesia hiện có số cô dâu trẻ em cao thứ 8 thế giới, theo tổ chức phi chính phủ "Girls Not Brides". Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết 14% bé gái ở Indonesia kết hôn trước 18 tuổi và 1% lấy chồng trước 15 tuổi. Nghèo đói, quan niệm về danh dự gia đình, các tiêu chuẩn xã hội, phong tục và luật tôn giáo là những yếu tố đẩy nhiều bé gái vào tình cảnh tảo hôn.
"Quyết định của quốc hội Indonesia là một bước đi tích cực hướng đến việc công nhận các bé gái cũng được hưởng những cơ hội như bé trai trong cuộc sống", bà Rachel Yates, giám đốc điều hành "Girls Not Brides", nói. "Việc chấm dứt tảo hôn sẽ không chỉ được thực thi bằng luật pháp. Dù luật pháp và các chính sách là rất cần thiết trong việc ngăn chặn tảo hôn, chúng ta cũng cần thay đổi những quan điểm chấp nhận hôn nhân ở trẻ em ngay từ đầu".
Yohana Yembise, Bộ trưởng Trao quyền Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Indonesia, đã gọi quyết định của quốc hội là "một món quà" cho trẻ em nước này. Giới chức Indonesia sẽ tiếp tục sửa đổi luật hôn nhân trong 3 năm tới.
Anh Ngọc (Theo CNN)