
Khu vực gần thủy điện Rào Trăng 3 địa hình đồi dốc. Ảnh: Võ Thạnh
Sau hơn một ngày mất liên lạc từ khi người dân báo tin về vụ sạt đất vùi lấp công nhân, chiều 13/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã liên lạc được với một số công nhân.
Theo nhà chức trách, các công nhân cho biết 0h ngày 12/10 đã xảy ra sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3. Sau vụ sạt lở, 40 người trong đó có 3 chuyên gia Ấn Độ đã đi bộ, vượt đường trong nhiều tiếng đến được thủy điện Rào Trăng 4, cách đó khoảng 10 km đường rừng. Họ đã đến nơi an toàn.
Tại thủy điện Rào Trăng 4, các công nhân cũng bị cô lập do mưa lũ, giao thông chia cắt, lương thực dự trữ chỉ đủ dùng một ngày. Nhà chức trách xác định khoảng 17 công nhân mất tích sau vụ sạt đất.

Lực lượng cứu hộ tính toán phương án di chuyển đến hiện trường. Ảnh: Đoàn Bắc
Hiện đường bộ đi đến cả hai nhà máy thủy điện đều sạt lở nghiêm trọng, đường thủy thì nước chảy xiết.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử một đoàn cứu trợ đi cano, chở thực phẩm và nước uống xuất phát từ hồ thủy điện Hương Điền ngược lên nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 để tiếp tế cho công nhân.
Quá trình cứu hộ nhóm công nhân thủy điện, đêm 12/10, nhóm 13 cán bộ, chiến sĩ trong đó có Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man cũng mất tích, nghi bị đất sạt vùi lấp tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 - cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp khẩn với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, chiều 13/10. Video: Đoàn Bắc
Chiều 13/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã đến xã Phong Xuân, cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 30 km; cùng đi có Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ.
Theo lãnh đạo Quân khu 4, lực lượng chức năng theo đường bộ đã tiếp cận gần điểm cứu hộ; hai trực thăng của Sư đoàn 372 sẵn sàng cất cánh vận chuyển lương thực, thực phẩm và tham gia cứu nạn.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, các lực lượng huy động thêm các phương tiện, máy móc để giải phóng nhanh đường đi, tìm mọi phương án tiếp cận hiện trường.

Xe thiết giáp được điều động tới xã Phong Xuân để tham gia cứu hộ. Ảnh: Đắc Thành
Ngoài hai thủy điện Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) còn có nhà máy Thủy điện A Lin B2 bị cô lập trong mưa lũ. "Cán bộ nhà máy A Lin B1 thoát ra đến khu vực huyện A Lưới qua đường Hồ Chí Minh, xác nhận toàn bộ công nhân nhà máy an toàn, tuy nhiên chưa có thông tin cụ thể", Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Võ Thạnh - Viết Tuân - Nguyễn Đắc Thành