Trong cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Hong-sik mô tả các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên là "rất nghiêm trọng", song khẳng định vũ khí của Bình Nhưỡng sẽ không thể vượt qua được lá chắn phòng thủ của Seoul.
Phát ngôn viên Moon cũng cho biết ngoài năng lực đánh chặn, Hàn Quốc đang phát triển các vệ tinh do thám, máy bay không người lái trinh sát và các hệ thống giám sát trên biển để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên tốt hơn.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói quá trình phát triển và nâng cao năng lực vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hiện đe dọa "không chỉ Hàn Quốc mà toàn thế giới", song cho rằng "Bình Nhưỡng sẽ không đạt được gì bằng vũ khí hạt nhân".
Ngày 10/10, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho hay loạt vụ phóng tên lửa thời gian qua là nhằm đáp trả các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, thêm rằng các cuộc diễn tập mà nước này thực hiện đều "mô phỏng theo một cuộc chiến tranh thực tế".
Các đơn vị quân đội Triều Tiên tham gia vào "chiến dịch vũ khí hạt nhân chiến thuật đã tổ chức những cuộc tập trận quân sự từ ngày 25/9 đến 9/10 nhằm kiểm tra và đánh giá khả năng răn đe chiến tranh cũng như phản công hạt nhân của đất nước. Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc tới các đối thủ", KCNA tuyên bố.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược có sức hủy diệt lớn thường được sử dụng trong đòn tấn công quyết định trong chiến tranh toàn diện.
Theo thông báo của Bình Nhưỡng, các vũ khí được huy động trong cuộc tập trận bao gồm một tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn khoảng 4.500 km, đủ sức vươn tới đảo Guam của Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng loại tên lửa mới này có thể nhắm đến các địa điểm xa hơn như Alaska hoặc Hawaii.
Một tên lửa khác được phóng từ hầm chứa bên dưới một hồ nước, nhiều khả năng là phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo KN-23, có khả năng cơ động cao, quỹ đạo thấp, giúp né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả.
Trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên, Hàn Quốc đã tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa, đồng thời xây dựng các phương án tấn công phủ đầu. Mỹ đã triển khai tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này kể từ năm 2017.
Lực lượng Mỹ - Hàn còn vận hành các khẩu đội tên lửa Patriot để bảo vệ các căn cứ quân sự quan trọng và khu vực thủ đô Seoul. Hàn Quốc cũng đang phát triển các hệ thống phòng thủ nội địa để đánh chặn nhiều loại tên lửa khác nhau từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng một số vũ khí được Triều Tiên phát triển, như tên lửa KN-23 có quỹ đạo bay phức tạp, có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ - Hàn. Nếu Bình Nhưỡng phóng đồng thời nhiều tên lửa từ các địa điểm khác nhau, Mỹ và Hàn Quốc sẽ khó phát hiện và bắn hạ toàn bộ chúng, theo các chuyên gia quân sự.
Đức Trung (Theo AP, AFP, KBS)