Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 15/9 công bố 4 video về các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, tàu ngầm và máy bay. Các vụ phóng này diễn ra cùng thời điểm Triều Tiên thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa.
Một video cho thấy bệ phóng di động trên mặt đất phóng một "tên lửa đạn đạo sức công phá cao", được truyền thông địa phương mô tả có uy lực "mạnh như vũ khí hạt nhân chiến thuật". Sau khi rời bệ phóng, lửa xuyên thủng bia nằm trên mục tiêu có thể mô phỏng hầm ngầm.
Hàn Quốc chưa công bố tên gọi hay tính năng kỹ chiến thuật của mẫu tên lửa đạn đạo mới. Giới chuyên gia nhận định đây có thể là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo 4 với tầm bắn 350-400 km, được thiết kế để phá hủy các hầm ngầm của Triều Tiên, bao gồm các kho chứa vũ khí hạt nhân.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng công bố video thử nghiệm tên lửa hành trình vượt âm, được Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc hoàn thành vào cuối năm 2020. Video cho thấy tên lửa rời bệ phóng trên mặt đất, sau đó xuyên thủng tấm lưới mục tiêu được căng trên một sà lan hoặc con tàu ngoài biển.
"Tên lửa mới với tốc độ được cải thiện sẽ khiến chiến hạm đối phương khó lòng đáp trả, nâng cao khả năng sống sót và sức công phá", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết trong thông cáo. "Vũ khí này được kỳ vọng sẽ là khí tài cốt lõi để đối phó lực lượng hải quân tiếp cận lãnh hải của chúng tôi".
Hàn Quốc chưa công bố tên gọi và chi tiết về mẫu tên lửa hành trình diệt hạm mới. Các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa này có cấu hình tương tự mẫu P-800 Oniks của Nga và BrahMos do Nga hợp tác với Ấn Độ phát triển. Tên lửa P-800 của Nga có tầm bắn 120-800 km tùy biến thể, có thể đạt tốc độ gấp 2,8 lần vận tốc âm thanh.
Quân đội Hàn Quốc cũng phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm Dosan Ahn Changho ngày 15/9. Tên lửa được phóng khi tàu ngầm ở dưới mặt nước, "bay theo lộ trình vạch sẵn và đánh trúng mục tiêu chính xác", thông cáo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc có đoạn, song chưa công bố tầm bắn của tên lửa mới.
Vụ phóng thử biến Hàn Quốc thành quốc gia thứ 8 trên thế giới phát triển được tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), cũng là nước không sở hữu vũ khí hạt nhân đầu tiên làm được điều này. Truyền thông Hàn Quốc cho biết mẫu SLBM của nước này được đặt tên là Hyunmoo 4-4, phát triển từ dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật Hyunmoo-2B và có tầm bắn khoảng 500 km.
SLBM là một trong ba trụ cột răn đe hạt nhân của các cường quốc, bên cạnh tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và oanh tạc cơ mang vũ khí hạt nhân. SLBM có độ chính xác và uy lực thua kém ICBM, nhưng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể ẩn mình dưới lòng biển trong thời gian dài để tung đòn tấn công phủ đầu đối phương hoặc trả đũa trong trường hợp quốc gia sở hữu bị tấn công.
Trong khi đó, không quân Hàn Quốc cũng phóng thử tên lửa không đối đất tầm xa mới từ tiêm kích F-4E và điều một tiêm kích F-15K bay theo dõi vụ thử. Video cho thấy tên lửa mới có thân hình góc cạnh, được cho là có khả năng tàng hình. Tên lửa rời chiếc F-4E, sau đó mở cánh và lao tới mục tiêu giả định. Hàn Quốc có thể phát triển mẫu tên lửa này để trang bị cho tiêm kích thế hệ mới KF-21.
Hàn Quốc đẩy mạnh các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo sau khi Mỹ dỡ bỏ hạn chế tầm bắn, cho phép Seoul phát triển tên lửa đạn đạo có thể đánh trúng mục tiêu hơn 800 km. Các loại tên lửa đạn đạo và hành trình mới được đánh giá nằm trong tham vọng phát triển lực lượng hải quân có năng lực tác chiến cao hơn của Hàn Quốc.
Các chương trình phát triển tên lửa còn nhằm tăng tính độc lập của quân đội Hàn Quốc, thay vì phải phụ thuộc vào Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột với Triều Tiên. "Việc tăng năng lực tác chiến tên lửa có thể trở thành biện pháp răn đe mạnh mẽ trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố.
Việc Hàn Quốc và Triều Tiên đồng loạt tiến hành các vụ nghiệm tên lửa đạn đạo và hành trình có thể liên quan đến các cuộc hội đàm giữa quan chức trong khu vực liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Sung Kim, đặc phái viên của Mỹ phụ trách chính sách về Triều Tiên, gần đây tới Nhật Bản để hội đàm với các quan chức nước này và Hàn Quốc. Trong chuyến thăm Hàn Quốc sắp tới, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhiều khả năng sẽ thảo luận về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)