Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 29/3 công bố báo cáo bác bỏ tuyên bố của Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng đã phóng thành công mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới mang tên Hwasong-17 trong vụ thử nghiệm tuần trước. Thay vào đó, Bình Nhưỡng đã khai hỏa Hwasong-15, mẫu ICBM cũ hơn trong vụ thử.
Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, các thông số như tốc độ, quá trình khai hỏa động cơ và phân tách tầng đẩy của quả đạn trong vụ thử ngày 24/3 đều giống với mẫu Hwasong-15 từng được Triều Tiên thử nghiệm năm 2017.
Cơ quan này nhận định video do Triều Tiên công bố có thể không được quay vào hôm phóng thử, căn cứ vào bóng của lãnh đạo Kim Jong-un và điều kiện thời tiết được ghi lại. Báo cáo cho biết Mỹ đồng ý với đánh giá của Hàn Quốc và đang phân tích riêng về vụ thử ICBM hồi tuần trước của Triều Tiên.
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, mẫu ICBM được thử hồi tuần trước đạt độ cao hơn 6.248 km, cao hơn bất cứ loại tên lửa nào trước đây. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã "thêu dệt" số liệu về vụ thử nhằm chứng minh đây là Hwasong-17, mẫu ICBM được giới chuyên gia gọi là "tên lửa quái vật" của Triều Tiên.
Một số chuyên gia nhận định tên lửa Triều Tiên khai hỏa trong vụ thử có thể là Hwasong-15 mang tải trọng nhẹ hơn để bay xa hơn so với lần phóng năm 2017.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định Triều Tiên phóng thử Hwasong-15 sau khi lần thử nghiệm Hwasong-17 trước đó thất bại. Báo cáo của cơ quan này cho rằng Triều Tiên từng thử tên lửa Hwasong-17 ngày 16/3, nhưng quả đạn phát nổ sau khi rời bệ phóng được vài km. "Do đó, Triều Tiên quyết định phóng thêm một ICBM đáng tin cậy hơn để xua tan hoài nghi và củng cố tinh thần đoàn kết của người dân", báo cáo của Hàn Quốc có đoạn.
Triều Tiên chưa bình luận về thông tin trên.
Phía Hàn Quốc cũng cho rằng Triều Tiên đang tìm cách khiến các nước trong khu vực tin rằng họ đã sở hữu công nghệ ICBM tiên tiến, đồng thời củng cố hình ảnh cường quốc quân sự và tăng lợi thế trong các cuộc đàm phán tương lai.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc cho biết trước vụ phóng thất bại ngày 16/3, Triều Tiên hai lần thử nghiệm hệ thống Hwasong-17 trong các vụ phóng với cự ly trung bình mà nước này gọi là thử nghiệm vệ tinh trinh sát. Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên nhiều khả năng đã thử nghiệm tầng đẩy đầu tiên của tên lửa Hwasong-17 trong các vụ phóng "vệ tinh trinh sát" đó.
Các quan chức Hàn Quốc hồi đầu tuần nhận định Triều Tiên có thể tiếp tục các vụ thử ICBM khác, phóng tên lửa đưa vệ tinh do thám lên quỹ đạo hoặc thậm chí thử hạt nhân.
Sau vụ phóng ngày 24/3, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố đây là động thái "ngăn chặn bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ nhằm vào Triều Tiên".
Vụ phóng thử ICBM diễn ra sau loạt thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên với tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm. Các đợt thử nghiệm diễn ra dồn dập được nhận định là thông điệp của Triều Tiên rằng họ sở hữu năng lực răn đe chiến lược ngày càng tăng, đồng thời thách thức mọi nghi ngờ về khả năng đe dọa trực tiếp Mỹ, trong bối cảnh đàm phán liên quan vấn đề hạt nhân và tên lửa giữa Washington và Bình Nhưỡng lâm vào bế tắc.
Nguyễn Tiến (Theo AP)