TP HCM thu hút số đông người dân đến sinh sống, làm việc, học tập... Phương tiện di chuyển phần lớn là xe máy bởi sự tiện lợi, linh động, "một bước lên xe" và về đến tận nhà...Thời gian qua, tăng đột biến lượng ôtô càng khiến khu vực trung tâm kẹt xe trầm trọng giờ cao điểm. Quá tải phương tiện cá nhân chính là nguyên nhân kẹt xe, ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng sống.
Đến giờ rất nhiều biện pháp giải quyết kẹt xe được triển khai, ùn tắc vẫn trầm trọng. TP HCM nhiều lần xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân, phải dừng lại bởi ý kiến trái chiều. Mới đây, cơ quan quản lý giao thông đề xuất giải pháp thu phí nhằm hạn chế ôtô vào khu vực trung tâm cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Những lý do được nêu ra nào là thiếu hạ tầng cầu đường, metro chưa hoàn thành, bất tiện với xe buýt, dân còn nghèo mới đi xe máy, muốn lạm thu dân giàu đi ôtô... Nhìn chung, mỗi khi chính quyền hay cơ quan quản lý giao thông đề xuất những giải pháp hạn chế xe cá nhân, bên cạnh những người ủng hộ và bàn tới thì còn rất nhiều ý kiến bàn ra.
>> 'Thu phí ôtô vào trung tâm sẽ phát triển được giao thông công cộng'
Nhiều người biết phải có đủ phương tiện công cộng để thay thế, mới hạn chế được xe cá nhân. Họ buồn khi chứng kiến tai nạn liên quan đến xe máy, muốn thành phố phải văn minh và hiện đại bằng hoặc hơn Singapore, Bangkok ở Thái Lan, Thượng Hải ở Trung Quốc, Tokyo ở Nhật, Paris ở Pháp... Nhưng mỗi khi đề cập tới hạn chế xe cá nhân gặp phản ứng với đủ lý do, dân đi bằng gì? Thử nghĩ đợi đến khi dân giàu, đủ giao thông công cộng biết khi nào hạn chế xe cá nhân, bắt kịp với thành phố các nước trong khu vực Đông Nam Á, chưa nói tới thành phố các nước phát triển.
Singapore có dân số hơn 5 triệu người, cơ sở hạ tầng giao thông từng phải đối mặt với số lượng lớn phương tiện cá nhân gia tăng với tốc độ chóng mặt, gây kẹt xe. Chính phủ nước này đã có chủ trương hạn chế xe cá nhân để tháo bỏ dần các rào cản, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường cung cấp cho người dân dịch vụ vận tải hành khách công cộng chất lượng cao. Song song đó, họ tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện cá nhân, cấm xe máy, thu phí hạ chế ô tô. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển giao thông công cộng.
Hay như tại Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc), chính quyền hai thành phố này cũng thực hiện việc hạn xe cá nhân theo lộ trình thời gian và khu vực. Đầu tiên là ban hành chủ trương để khuyến khích nhiều tư nhân phát triển hạ tầng, phương tiện công cộng. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng ủng hộ, hạn chế dần và tiến tới không đăng ký mới với xe máy.
>>'Thế hệ chúng tôi không muốn thấy xe máy đầy đường Việt Nam nữa'
TP HCM hiện có 7,6 triệu xe máy và hơn 700.000 ôtô. Mỗi tháng có 30.000 phương tiện đăng ký mới, tức mỗi ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới. Theo số liệu thống kê cơ quan chức năng thông báo, ôtô trên địa bàn thành phố tăng trên 15% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019. Mật độ giao thông trong khu vực trung tâm đã quá tải, mặt đường thì lại khó mở rộng. Quan sát giao thông trên đường dễ thấy mỗi khi xảy ra kẹt xe, ôtô chiếm dụng phần lớn mặt đường. Khu vực trung tâm có nhiều tuyến đường hẹp, hai chiếc ôtô lách nhau vẫn có thể gây ùn ứ. Giờ cao điểm, trong hàng ngàn phương tiện, chỉ một ôtô gặp sự cố dừng lại cũng gây kẹt xe kéo dài.
TP HCM với tình hình giao thông như hiện nay, hạn chế xe cá nhân càng sớm càng thuận lợi và dễ dàng hơn để phát triển giao thông công cộng. Khi chưa đủ điều kiện cấm xe máy thì hạn chế ôtô khả thi hơn. Nếu chờ cho đủ cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng thì xe cá nhân đã tràn ngập, càng khó hơn bởi ảnh hưởng càng nhiều người, xử lý số phương tiện cá nhân đó rất nan giải.
Đã đến lúc nên có chủ trương cho phép thu phí hạn chế ôtô, cơ quan chức năng sẽ có bước chuẩn bị, triển khai ở thời điểm thích hợp nhất có lẽ trong năm 2021, lúc đó càng thuận lợi đã đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ngay bây giờ cũng nên có chủ trương hạn chế dần xe máy để có cơ sở pháp lý, bước chuẩn bị, thí điểm và tiến tới cấm xe máy ở trung tâm thành phố.
>> Lộ trình cấm xe máy là 'bảo chứng' để tư nhân đầu tư tàu điện
Có chủ trương để cho thấy mục tiêu, quyết tâm của chính quyền, tạo áp lực cho ngành giao thông, tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng. Hơn nữa, làm cơ sở pháp lý huy động vốn, xã hội hóa kêu gọi đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng để hạn chế được xe cá nhân, buộc phải có các cách làm sáng tạo và quyết liệt. Nếu cứ nghĩ phải phát triển phương tiện công cộng trước, hạn chế xe cá nhân sau, thì nghe có vẻ logic nhưng khó khả thi. Bởi chắc rằng không một nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ vốn ra xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hay mua sắm các loại phương tiện công cộng, xe buýt để trông chờ sự hên, xui, may, rủi.
Công tác quy hoạch, cải tạo nâng cấp đô thị phục vụ việc hạn chế xe cá nhân cũng cần được đẩy nhanh hơn. Chẳng hạn, mở rộng đường và hẻm theo đúng quy hoạch sao cho đủ bề rộng cho xe buýt lưu thông, vỉa hè đáp ứng nhu cầu đi bộ. Đây là việc nên làm để tăng diện tích đường cho xe chạy, phục vụ giao thông trước mắt và lâu dài. Dù tốn kém do giải tỏa nhưng bù lại góp phần giải quyết kẹt xe và kết hợp với cải tạo mỹ quan đô thị. Hướng đến thành phố văn minh hiện đại là việc trước sau gì cũng phải làm. Như đã thấy ở nội thành, thực trạng nhà dân ở xa trạm xe buýt nên không thể đi bộ thường xuyên vài cây số, phương tiện công cộng không vào được hẻm.
>> 'Virus' xe máy đã tàn phá đô thị Việt Nam như thế nào
Công nghệ giao thông thông minh cũng cần được ứng dụng sớm hơn. Chẳng hạn, Thủ đô Bangkok (Thái Lan) khá giống TP HCM, quá tải phương tiện cá nhân, từng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Từ khi có chủ trương hạn chế xe cá nhân, bằng mọi cách tháo gỡ trở ngại, cơ quan chức năng đã ứng dụng giao thông thông minh (ITS) giúp kiểm soát giao thông trên đường, tự động thay đổi thích hợp chu kỳ đèn tín hiệu... Đặc biệt, thông qua Internet và điện thoại thông minh, báo cho người dân biết thông tin về lịch trình và thời gian từng tuyến xe buýt, metro. Tôi nghĩ TP HCM một khi có chủ trương hạn chế xe cá nhân theo lộ trình sẽ tạo áp lực lớn cho ngành giao thông càng sớm ứng dụng công nghệ thông minh, giải quyết kẹt xe hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn.
Được như vậy, càng khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Khi đưa vào khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), xe buýt sẽ được đầu tư thêm theo hướng chất lượng cao và tiện lợi di chuyển với làn đường riêng để rút ngắn thời gian so với xe cá nhân.
Triển khai thí điểm hạn chế xe cá nhân có thể làm ở khu vực trung tâm thành phố hoặc trên một số tuyến đường trong phạm vi quận 1, hay ưu tiên gần các phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện. Tất nhiên là không còn nạn lấn chiếm vỉa hè, người đi bộ sẽ được đảm bảo an toàn và thuận lợi. Mở rộng dần phạm vi hạn chế xe các nhân ra những khu vực khi đã kết nối giao thông, đủ điều kiện.
Trước đây, cũng có luồng ý kiến trái chiều về việc đội mũ bảo hiểm và cấm đốt pháo, nhưng một khi đã có chủ trương, thực hiện cho thấy hiệu quả vì an toàn cho người dân, tránh lãng phí. Thiết nghĩ việc hạn chế xe cá nhân cũng vậy, sẽ thành công vì giải quyết kẹt xe, phát triển thành phố.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.