Tôi viết thư báo sếp nghỉ làm. Lấy nhiệt kế đo sâu trong tai, thân nhiệt hơn 36 độ C, nhưng nhịp tim của tôi nhanh hơn bình thường. Tôi nhắn cho em gái là bác sĩ "hình như anh bị cúm".
Lấy một viên Panadol uống, tôi súc họng bằng nước muối đậm rồi làm một "nồi xông dã chiến" với máy phun hơi nước. Đây là cách dân dã tôi thường làm để diệt virus cúm nhờ hơi nóng của nước. Các virus đều không sống được ở trên 70 độ C.
Sáng ngày thứ hai bị bệnh, tôi viết e-mail báo sếp đã khá hơn. Tôi thường xuyên súc họng nước muối nên không còn đau họng. Dù vậy, đầu vẫn nhức nặng và cứ vài tiếng lại phải uống một viên Panadol. Thân nhiệt 36,4 độ C, nhưng tôi cảm thấy lành lạnh trong người, vài co giật nhẹ. Tôi ngủ sớm hơn vì mệt, nhưng chập chờn. Thức giấc giữa đêm, tôi lấy điện thoại, mở app y tế của chính phủ Dubai đặt lịch hẹn kiểm tra Covid 19 vào trưa hôm sau.
Trong hai ngày, tôi đã không ra ngoài. Cần mua gì thì gọi siêu thị ở tầng trệt, thẻ ngân hàng để sẵn ngoài cửa, nhân viên giao hàng mang tới, tự quẹt thẻ thu tiền và bấm chuông báo tôi biết.
Ngày thứ ba, người tôi nổi nhiều mẩn đỏ ở tay và cổ nhưng không ngứa. Tôi chụp hình gửi em gái, cô bảo trong cơ thể đã có siêu vi và khuyên tôi đến bệnh viện.
Tôi đến trung tâm y tế làm xét nghiệm PCR như đã hẹn, trong khi chờ kết quả, tôi ghé qua bệnh viện để kiểm tra. Bác sĩ bảo tôi đã làm xét nghiệm Covid-19 nên bệnh viện chỉ kiểm tra vi khuẩn ở vòm họng, kiểm tra tổng quát và thử máu. Nhiệt độ cơ thể trên 37 độ C, trọng lượng tôi giảm 4 kg. Kết quả thử cho thấy cổ họng không có vi khuẩn, có lẽ nhờ tôi súc họng bằng nước muối thường xuyên. Kết quả thử máu cho thấy lượng hồng cầu giảm - dấu hiệu của siêu vi tấn công. Để bớt nhức đầu, bác sĩ kê cho tôi thuốc Panadol và khuyên ở nhà nghỉ ngơi.
Tin nhắn xác nhận dương tính với Covid-19 đến vào khuya hôm đó. Tin nhắn tiếp theo của chính phủ hướng dẫn tôi tự cách ly đủ 10 ngày. Tôi ở nhà một mình nên việc tự cách ly cũng dễ, dán thêm thông báo trước cửa phòng: "tôi bị Covid, mọi người khi giao hàng hãy để trước cửa và bấm chuông, cảm ơn!".
Ngày thứ tư, tôi hẹn gặp bác sĩ online để báo kết quả xét nghiệm Covid và xin lời khuyên. Ông khuyên tích cực nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, nhất là phải uống đủ vitamin D và C. Tôi kể mình uống vitamin tổng hợp mỗi ngày. Bác sĩ hỏi "không rõ loại vitamin anh uống có đủ liều không?" - "có", tôi khẳng định. Thật ra tôi đã sai, đánh giá thấp vai trò của Vitamin C và D, bởi lượng vitamin này cần cho người nhiễm bệnh cao hơn rất nhiều.
Tôi hỏi thêm có cần uống thuốc chuyên trị Covid 19 không. Bác sĩ khẳng định lại, chỉ cần sống tích cực, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, bổ sung Vitamin C và D, dùng Panadol khi quá nhức đầu. Với trạng thái lúc đó, tôi chưa cần thuốc khác.
Nghe thì đơn giản, nhưng ăn uống đầy đủ khi bị nhiễm virus không hề dễ. Tôi ăn thuần chay và cả tuần đó đã không còn cảm giác ngon miệng.
Tôi theo dõi nhịp tim và oxy bão hòa trong máu thường xuyên nhờ đồng hồ sức khỏe. Thân nhiệt hôm nay 36,8 độ C. Tôi ngủ nhiều hơn, cả đêm lẫn ngày, cứ mệt là ngủ, thỉnh thoảng đứng dậy tập thể thao cho đến khi ra chút mồ hôi.
Tôi đã mất khứu giác. Tôi xịt khá nhiều nước hoa lên tay và không ngửi được mùi thơm. Tôi nhức đầu nặng hơn, giấc ngủ mộng mị nhiều hơn và thức giấc thường hơn.
Tôi xông hơi một lần nữa, các chai tinh dầu dù nồng thế vẫn không có mùi. Đến chiều tối tôi cảm thấy kiệt sức, nhịp tim tăng nhanh hơn. Lượng oxy bão hòa vẫn đủ, trên 94%, thỉnh thoảng giảm xuống 90%, nhưng chỉ tức thời.
Hai hôm trước tôi đặt mua online bình rửa mũi, và hôm nay nhận hàng. Tôi dùng bình này để rửa mũi với nước muối đậm, và có lẽ vì vẫn súc họng nước muối đều nên trong khi bị Covid tôi không lo về ho, đau cổ hay sổ mũi.
Đêm ngày thứ sáu mắc bệnh thật hãi hùng. Giấc ngủ đầy mộng mị với các các vệt tối sáng. Tôi thức giấc nhiều lần, cơ thể co giật nhẹ nhiều cơn với cảm giác lạnh rờn rợn. Sáng hôm sau, tôi khá mệt. Dù thế, tôi vẫn ráng tập 15 phút thể dục. Nhịp tim hôm nay cao hơn, oxy bão hòa trong máu vẫn đủ. Các vết ban đỏ đã trở nên đậm hơn, màu của máu bầm.
Tôi nghĩ bụng, "mới sáu ngày đã kiệt sức thế thì làm sao chống chọi với bệnh lâu dài?". Tôi thực sự cần sự giúp đỡ của bác sĩ. Cái khó là tôi phải tuân thủ cách ly, không tự ý ra khỏi nhà. Phải làm sao? Tôi nghĩ ra cách gọi cấp cứu. Xe cứu thương đến, hai y tá sau khi kiểm tra nói rằng tôi vẫn "okay", không cần vào viện, có thể tiếp tục nghỉ ngơi cho đến khi khỏi bệnh. Tôi không đồng ý.
Ở bệnh viện, tôi cảm thấy tỉnh hơn sau khi được truyền dịch và đạm, thử máu và chụp X quang phổi. Bác sĩ bảo phổi đã bị nhiễm nhiều nơi. Sau nửa ngày ở phòng cấp cứu, tôi được cho về nhà với các thuốc uống: Vitamnin C và D3, Prednisolone, Zithromax, Siro ho, Lansoprazle và Panadol.
Bác sĩ ân cần khuyên: "ráng ăn nhiều, đủ thể lực, bệnh sau vài ngày sẽ khỏi". Về nhà, tôi cố ăn nhiều hơn, đêm ấy ngủ ngon hơn.
Có lẽ thuốc đã có tác dụng, sáng hôm sau tôi cảm thấy khỏe hơn vì tối hôm trước ngủ ngon hơn. Nhưng đến chiều, tôi mệt trở lại, ngày sau đó đầu vẫn còn nhức, nhịp thở có phần khó khăn, có lúc oxy bão hòa giảm xuống 93%. Tôi tiếp tục ăn nhiều hơn, tập vài động tác thể dục và ngủ.
Rồi tôi lại bắt đầu ho dù cảm thấy đã đỡ hơn khá nhiều. Dấu hiệu tích cực là nhịp tim giảm dần, lượng oxy bão hòa luôn trên 95%, thân nhiệt 36,8 độ C, tôi tạm yên tâm.
Tôi ho nhiều hơn vào ngày thứ 12 nhiễm Covid 19, không phải vì cảm giác ngứa ở cổ mà vì không thể giữ hơi được trong phổi. Mỗi khi mở miệng định nói là bắt đầu ho, không nói thì không sao. Việc thở khó hơn một chút. Thứ bảy tuần đó, tôi vẫn còn ho, khó thở khi muốn thở sâu hay giữ hơi lâu. Oxy bão hòa vẫn tốt, trên 96%. Vì bắt đầu có chút đàm trong mũi, tôi rửa mũi thường xuyên hơn. Tôi mừng rỡ khi cảm giác đói, thèm ăn trở lại sau gần hai tuần.
Hết thời hạn 10 ngày cách ly, tôi đi thử Covid-19, kết quả âm tính. Tôi khỏi bệnh sau 14 ngày.
Có lẽ nhờ nền tảng thể lực tốt, không bệnh nền, ăn uống lành mạnh, không rượu, thuốc lá nên tôi đã vượt qua được Covid-19. Tôi cũng tìm hiểu kỹ để tự chăm sóc cho mình khi mắc bệnh. Hy vọng kinh nghiệm này có thể giúp được mọi người khi Bộ Y tế Việt Nam đang thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà.
Bài học tôi nhận ra: trước khi chờ bác sĩ giúp, mình phải tự biết chăm sóc bản thân bằng lối sống và kiến thức y tế cơ bản.
Và quan trọng hơn với Việt Nam trong lúc này, mọi đường dây kết nối công dân với các cơ quan y tế phải luôn hoạt động 24 giờ, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi của người bệnh - những người đang phải tự xoay xở một mình với virus trong bốn bức tường.
Trong tình huống người bệnh kiệt sức, sự liên lạc và can thiệp kịp thời của hệ thống y tế có ý nghĩa sinh tử. Nghĩ lại, nếu không được cấp thuốc và truyền dịch kịp thời vào ngày thứ sáu nhiễm bệnh, tôi cũng chưa biết sẽ ra sao.
Bùi Mẫn