Mỹ đã xác định thành công vị trí của Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, thủ lĩnh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, từ cuối năm ngoái. Chiến dịch được Tổng thống Joe Biden phê chuẩn ngày 1/2 là kết quả của nhiều tháng lập kế hoạch ở cấp cao nhất trong chính phủ Mỹ với mục tiêu hạn chế tối đa thương vong dân thường.
Theo tiết lộ từ một số quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Biden, sứ mệnh truy tìm al-Qurayshi hoàn tất vào mùa thu năm ngoái. Đến ngày 20/12/2021, Tổng thống Mỹ Biden được báo cáo chi tiết thông tin tình báo và phương án tác chiến trong cuộc họp với một nhóm nhỏ tướng lĩnh và cố vấn cấp cao trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng.
Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là bắt sống al-Qurayshi, nhưng các cố vấn hiểu rõ họ không thể loại trừ kịch bản tiêu diệt mục tiêu. Biden cùng đội ngũ cấp cao nhận định đây là cơ hội giáng đòn chí mạng vào tham vọng trỗi dậy của IS, đặc biệt giữa bối cảnh Mỹ vừa rút quân khỏi Afghanistan và để lại khoảng trống an ninh to lớn ở khu vực sau khi Taliban chiếm Kabul.
"Chúng tôi kỳ vọng chiến dịch sẽ gây rối loạn nội bộ IS. Đối tượng là một trong số những thủ lĩnh thế hệ đầu còn sống sót. Có thể nói chiến dịch là một phần nỗ lực loại bỏ những nhân tố lãnh đạo còn lại của nhóm khủng bố", một quan chức Mỹ giấu tên chia sẻ.
Các quan chức Mỹ tiết lộ chiến dịch loại bỏ al-Qurayshi đặc biệt phức tạp vì khu vực mục tiêu ẩn náu có nhiều trẻ em. Tòa nhà có một gia đình sinh sống ở tầng một và những nhiệm vụ do thám trước đó cho thấy dân thường không ngờ họ đang sống chung với khủng bố. Al-Qurayshi ít khi rời chỗ trốn, ngoại trừ những lần lên sân thượng cầu nguyện hoặc tắm. Y dựa vào người đưa tin để truyền đạt mệnh lệnh cho thuộc cấp.
Khi họp với tướng lĩnh vào tháng 12/2021, Biden còn được xem mô hình tòa nhà al-Qurayshi đang ẩn náu để hình dung rõ nhất độ phức tạp của sứ mệnh. Ông cho rằng trùm khủng bố đã cố tình chọn mục tiêu dân sự để quân đội Mỹ chùn tay trước rủi ro gây thương vong cho dân thường vô tội. Tổng thống buộc đội ngũ thay đổi kế hoạch, yêu cầu đột kích trực diện chứ không tổ chức không kích.
"Chúng tôi lựa chọn đột kích bằng đặc nhiệm, chấp nhận rủi ro cao hơn cho người của mình thay vì tiêu diệt mục tiêu bằng không kích. Đây là lựa chọn hạn chế tối đa thương vong dân thường", Tổng thống Biden ngày 3/2 chia sẻ trong phát biểu xác nhận chiến dịch.
Địa bàn tác chiến cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi phần lớn bị kiểm soát bởi nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham có liên kết với al-Qaeda. Một phần không phận mà quân đội Mỹ cần sử dụng cho chiến dịch nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng Nga. Tuy không báo trước cho đối tác Nga về cuộc đột kích, Mỹ đã sử dụng kênh liên lạc giảm rủi ro xung đột để tránh sự cố ngoài ý muốn.
Biden bật đèn xanh cho cuộc đột kích ở tòa nhà phía tây bắc Syria vào sáng 1/2, trong cuộc họp ở Phòng Bầu dục cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley. Các chỉ huy quân đội Mỹ một ngày sau kết luận điều kiện tác chiến đã chín muồi và đặt thời điểm xuất kích vào buổi tối, khi trăng mờ.
Biden cùng nhóm cố vấn hàng đầu chính phủ tập trung trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng vào khoảng 17h ngày 2/2 để theo dõi trực tiếp chiến dịch, ngay sau khi ông kết thúc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về căng thẳng biên giới Ukraine - Nga.
Biden ngồi ở đầu bàn họp, không mặc áo khoác và mang khẩu trang. Ngồi bên phải ông là Phó tổng thống Kamala Harris. Một số quan chức cấp cao chính phủ cũng góp mặt, trong đó có Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cùng cấp phó Jon Finer, Điều phối viên Nhà Trắng về Trung Đông và Bắc Phi Brett McGurk, Cố vấn An ninh Nội địa Liz Sherwood-Randall và Cố vấn An ninh Quốc gia cho phó tổng thống Nancy McEldowney.
Chiến dịch được chiếu trực tiếp trong phòng họp thông qua một đường truyền đặc biệt, kèm theo đường dây liên lạc liên tục với Lầu Năm Góc.
Theo tiết lộ từ các quan chức Mỹ, lực lượng đặc nhiệm đã diễn tập đột kích hàng chục lần. Hành trình từ nơi xuất phát đến mục tiêu mất khoảng hai tiếng. Khi vừa đến nơi, nhóm đặc nhiệm Mỹ phát loa yêu cầu dân thường sơ tán khỏi hiện trường. Cả phòng họp thở phào nhẹm nhõm khi gia đình sống ở tầng một chấp nhận chạy đến nơi an toàn trước khi nổ súng.
Quân nhân Mỹ sơ tán thành công 10 dân thường, trong đó có 8 trẻ em. Ngay sau đó, đường truyền chiến dịch ghi nhận một tiếng nổ lớn. Các tướng Mỹ xác nhận al-Qurayshi đã kích hoạt bom tự sát trên tầng ba của toà nhà và khiến cả gia đình y thiệt mạng.
Kịch bản này đã nằm trong các dự đoán của đội ngũ hoạch định chiến lược do thủ lĩnh IS trước đây, Abu Bakr al-Baghdadi, cũng cho nổ bom tự sát khi quân Mỹ đột kích vào năm 2019. Lầu Năm Góc còn cho kỹ sư đánh giá trước khả năng vụ nổ phá sập tòa nhà và ước tính chính xác thiệt hại chỉ tập trung ở tầng trên cùng.
Biden cùng đội ngũ tiếp tục theo dõi những diễn biến tiếp theo của chiến dịch, trong đó có thời điểm một trực thăng gặp trục trặc kỹ thuật và nhóm đặc nhiệm buộc phải phá hủy phương tiện.
"Cả buổi họp diễn ra trong im lặng và căng thẳng", một quan chức tiết lộ.
Sau khi kết thúc chiến dịch và chờ tình báo xác nhận kết quả, Biden chia sẻ với các quan chức Mỹ trong Phòng Tình huống về nỗ lực săn lùng al-Qurayshi suốt nhiều năm qua. Ông cho biết tay trùm khủng bố đã cụt một chân sau cuộc không kích gần Mosul vào năm 2015.
Trong đêm 2/2, Biden liên tục cập nhật thêm thông tin về chiến dịch từ Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan. Trong những báo cáo ban đầu, đặc nhiệm thông báo đã tiêu diệt đúng mục tiêu thông qua nhận diện gương mặt và dấu vân tay. Tuy nhiên, phải đến 7h ngày 3/2, kết quả xác nhận bằng phân tích ADN mới được gửi đến Nhà Trắng để Biden công bố chính thức với thế giới.
Theo các quan chức Mỹ, những cân nhắc nơi hậu trường chiến dịch vài tháng qua không khác mấy so với năm 2011, khi đội ngũ cố vấn của Tổng thống Barack Obama xem xét phương án dùng đặc nhiệm SEAL tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.
Ông Biden vào thời điểm đó đang giữ chức phó tổng thống Mỹ và là một trong những người hoài nghi tính khả thi của chiến dịch. Biden năm 2011 cho rằng Mỹ cần tìm thêm hướng xác minh thủ lĩnh al-Qaeda thật sự đang ẩn náu ở tòa nhà mục tiêu, nằm trong lãnh thổ Pakistan. Mối lo ngại lớn nhất với ông khi đó là sinh mạng của lính Mỹ và hệ quả chính trị nếu sai sót xảy ra, theo cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates.
Chiến dịch lần này cũng ẩn chứa những hệ quả chính trị to lớn. Quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan đã gây nên tình trạng hỗn loạn và thương vong nghiêm trọng đối với lính Mỹ lẫn dân thường, với đỉnh điểm là vụ đánh bom ở sân bay Kabul cuối tháng 8 năm ngoái dẫn đến vụ đánh bom nhầm sau đó làm 10 dân thường thiệt mạng. Nếu cuộc đột kích tại Syria phạm thêm sai lần, nhiệm kỳ của Biden sẽ chồng chất thêm rắc rối.
Tuy nhiên, Biden đã chọn cách tiếp cận chiến dịch loại bỏ al-Qurayshi khác với bản năng của chính mình trong thập kỷ trước. Theo Leon Panetta, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và cựu bộ trưởng quốc phòng thời Obama, sự khác biệt nằm ở vị trí hiện nay của Biden.
"Một phó tổng thống có quyền chia sẻ suy nghĩ và góc nhìn khác biệt. Nhưng ông ấy đang là tổng thống. Ông cần đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi nghĩ Tổng thống hiểu rõ di sản nhiệm kỳ của mình sẽ được định đoạt bởi những quyết định như vậy. Dẫu có rủi ro lựa chọn sai lầm, ông ấy cuối cùng vẫn cần đưa ra quyết định", Panetta nhận định.
Trung Nhân (Theo Washington Post)