13h ngày 13/8, Phạm Mai Mi và Nguyễn Hoàng Hiệp đang ăn cơm trưa ở phòng y tế của khu cách ly trường THCS Thuận Giao, thành phố Thuận An, thì nhận được cuộc gọi ở tầng 2. Sản phụ đang đau bụng, ra huyết và có dấu hiệu sinh.
Đặt vội hộp cơm xuống, Mi, sinh viên năm nhất ngành Y đa khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, lập tức mặc đồ bảo hộ chạy lên. Hiệp, sinh viên năm cuối khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, có mặt ngay sau đó.
Mi đo huyết áp, kiểm tra mức độ oxy trong máu (Sp02) của sản phụ và nghe nhịp tim em bé. Trong phòng lúc này chỉ có gia đình sản phụ, gồm vợ chồng và 3 người con. Cả gia đình đều dương tính với nCoV.
Sản phụ quê Sóc Trăng cho biết thai hơn 30 tuần và đây là lần sinh thứ tư. Lúc này chị đã vỡ ối, huyết áp 220/115 mm Hg, có biểu hiện sản giật. Mi cân nhắc hai phương án chuyển viện hoặc đẻ tại đây và nghiêng về phương án một vì khu cách ly không có đủ trang thiết bị, hơn nữa sản phụ có nguy cơ thai lưu cao.
Mi tính gọi bác sĩ nhưng chưa kịp thì sản phụ báo em bé đang ra rồi. "Tình thế quá gấp gáp nên em phải đón bé. Lúc mới ra khỏi bụng mẹ, bé trai tím tái, không khóc. Cả em và Hiệp bật khóc vì lo bé không qua khỏi", Mi nhớ lại.
Ngay sau đó, bác sĩ lên khai thông đường thở và tiến hành thủ tục cấp cứu tiếp theo cho em bé. "Chúng em nín thở chờ đợi em bé khóc nên cảm giác thời gian trôi rất lâu. Lúc sau đứa bé phá vỡ bầu không khí lo lắng bằng tiếng khóc chào đời, em, Mi và bác sĩ cùng khóc vì mừng", Hiệp kể, cho biết ca đẻ diễn ra trong 30 phút, em bé nặng hơn 2 kg.
Mi và Hiệp ngày nào cũng lên tắm cho bé, chăm sóc sản phụ và kêu gọi ủng hộ cho bé. Mi từng đi thực tập nhưng chưa va chạm ca sản bao giờ và đây là lần đầu tiên trải nghiệm tình huống đặc biệt như vậy. Lúc lên cấp cứu cho sản phụ, Mi và Hiệp không lo nguy cơ lây nhiễm cho bản thân mà chỉ sợ sản phụ gặp tai biến, mất sức trong quá trình sinh và em bé không qua khỏi.
Từ giữa tháng 6, Mi cùng bạn trai từ Sài Gòn vào Bình Dương chống dịch, sau khi biết lực lượng tình nguyện viên đang thiếu và tình hình dịch bệnh căng thẳng. Ban đầu trường THCS Thuận Giao là khu cách ly F1 nên nhiệm vụ của các em thiên về phục vụ, phát đồ ăn, đo thân nhiệt hàng ngày.
Từ khi trở thành khu điều trị F0, khối lượng công việc và nguy cơ lây nhiễm tăng lên. Hàng ngày, Hiệp và Mi lo đồ ăn, theo dõi triệu chứng bệnh nhân và phát đồ của người nhà gửi vào. Cả hai hỗ trợ y bác sĩ khám chữa bệnh, nhận và cấp cứu bệnh nhân, phát thuốc. Ngoài lịch cố định, các em luôn trong tình trạng sẵn sàng nhận nhiệm vụ cấp cứu lúc nửa đêm hoặc đang ăn.
Là người yêu, lại cùng đi chống dịch, Hiệp và Mi luôn động viên cùng nhau vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Cả hai cũng kêu gọi mọi người tuân thủ quy định 5K và cùng đồng lòng chống dịch.
Chị Bùi Thị Quỳnh Anh, bác sĩ của Trung tâm Y tế Thuận An, vẫn nhớ như in khoảnh khắc hôm đó. Lên tới nơi, chị Quỳnh Anh thấy bé đã lọt ra ngoài nên nhanh chóng sơ cứu, móc dịch, đờm trong họng bé và làm mọi cách để em bé khóc. Nữ bác sĩ lo lắng sản phụ có thể bị băng huyết nên vừa đợi trung tâm y tế tới, chị vừa quan sát mẹ và bé.
Theo chị Quỳnh Anh, gia đình sản phụ là người dân tộc thiểu số, ít quan tâm tới sức khỏe sinh sản nên có thể nhớ không chính xác tuần thai. Chị nhận định đứa trẻ không có dấu hiệu sinh non. Hiện sản phụ ổn định, sắp xuất viện, tuy nhiên do lượng virus ở người chồng và các con cao nên cả gia đình chưa thể về nhà.
Chị Quỳnh Anh cho hay khu cách ly THCS Thuận Giao có một bác sĩ chuyên môn là chị, một dược sĩ cùng bốn tình nguyện viên, hiện điều trị cho 295 F0. Nhắc tới Hiệp và Mi, chị Quỳnh Anh khen ngợi hai tình nguyện viên nhanh nhẹn, xử lý tốt tình huống. "Các bạn ấy có năng lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngại khó và sẵn sàng xông pha", chị nhận xét.
Chị Phạm Nguyễn Phương Thà, Bí thư Thành Đoàn Thuận An, cho biết Hiệp và Mi là lứa đầu tiên đăng ký sau khi Thành Đoàn đăng tin tuyển tình nguyện viên chống dịch hồi tháng 6. Hiện khoảng 1.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ ở thành phố Thuận An và 10 xã, phường, trong đó có 120 bạn vào 32 khu cách ly.
Ngay khi biết việc làm của hai bạn, Thành Đoàn đã động viên và gửi đồ dùng cho sản phụ cùng em bé. "Chúng tôi đang chuẩn bị vào tuyên dương tinh thần của Hiệp, Mi cùng hai bạn tình nguyện khác hỗ trợ vòng ngoài. Các bạn đã truyền cảm hứng và nêu cao tinh thần chống dịch", chị Thà chia sẻ.
Bình Minh