Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ, hôm 5/1 đề xuất một bản kế hoạch mới, vạch ra các phương pháp tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân nhằm đối phó với sự trỗi dậy nhanh chóng trên biển của các đối thủ, tiêu biểu là Nga và Trung Quốc, theo National Interest.
"Bản hướng dẫn này liệt kê những vấn đề của lực lượng hải quân đi kèm các cách giải quyết tương ứng nhưng cần lưu ý rằng vẫn thiếu sự chắc chắn cố hữu, cơ bản đối với cả định nghĩa vấn đề và giải pháp đề xuất", ông Richardson cho hay. "Trên con đường phát triển, chúng ta phải tôn trọng một sự thật là chúng ta không hoàn hảo. Và vì thế, chúng ta sẽ phải tự theo dõi và đánh giá bản thân cũng như môi trường xung quanh".
Đề cương của ông Richardson tập trung miêu tả môi trường chiến lược hiện tại và tương lai, đồng thời định ra 4 lĩnh vực mà hải quân Mỹ cần chú trọng, gồm: củng cố sức mạnh trên biển, đạt tốc độ học hỏi, tiếp thu cao, kiện toàn lực lượng để chuẩn bị cho tương lai, và mở rộng mạng lưới đối tác.
Theo ông Richardson, môi trường chiến lược của hải quân Mỹ những năm gần đây đang biến đổi nhanh chóng nhưng những nguyên tắc cơ bản về sức mạnh trên biển do chiến lược gia Alfred Thayer Mahan đề ra từ thế kỷ 19 vẫn còn nguyên giá trị.
"Lợi ích của Mỹ nằm ở bên ngoài bờ biển của chúng ta. Thành công của Mỹ phụ thuộc vào sự sáng tạo, động lực khởi nghiệp, khả năng tiếp cận cùng những mối quan hệ ở nước ngoài. Trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, thành công của nước Mỹ còn trông cậy nhiều hơn vào hải quân", đề cương có đoạn.
Theo đó, có ba nhân tố khiến môi trường thay đổi. Đầu tiên là hệ thống hàng hải truyền thống, gồm các tuyến đường trên mặt biển và cả dưới đáy biển. Nhân tố thứ hai là hệ thống thông tin toàn cầu, gồm những dữ liệu được lưu thông trên các máy chủ, đường cáp ngầm, vệ tinh, mạng không dây. Nhân tố cuối cùng là tốc độ tăng trưởng phi mã của ngành sáng tạo công nghệ và ứng dụng.
"Ba nhân tố kể trên và sự tương tác giữa chúng ảnh hưởng sâu sắc tới hải quân Mỹ", ông Richardson cho hay.
Khác với những gì diễn ra 25 năm trước, hải quân Mỹ ngày nay phải đối mặt với rất nhiều thách thức trên biển. Moscow và Bắc Kinh đang dần thu hẹp khoảng cách về sức mạnh với Washington, vì thế hải quân Mỹ cần chuyển mình để giữ vững lợi thế.
"Nga và Trung Quốc đều chú trọng vào việc nâng cao năng lực quân sự để có thể trở thành những cường quốc toàn cầu. Mục tiêu của họ được hỗ trợ bởi một kho vũ khí không ngừng gia tăng về số lượng cũng như khả năng chiến đấu. Rất nhiều trong số này tập trung khai thác chính xác các điểm yếu của chúng ta, đồng thời được xây dựng trên nền tảng tận dụng tối đa hệ thống hàng hải, công nghệ và thông tin", ông Richardson nói. "Họ liên tục phát triển và đưa ra các loại vũ khí có độ chính xác, tầm bắn và khả năng phá hủy ngày càng cao".
"Hải quân Nga đang hoạt động với một cường độ và phạm vi chưa từng thấy suốt gần hai thập kỷ qua, trong khi hải quân Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới", ông cho biết thêm. Song, ngoài Trung Quốc hay Nga, mối đe dọa đối với Mỹ còn đến từ các nước như Triều Tiên hay Iran, những quốc gia đã tiếp cận được các công nghệ tiên tiến có khả năng thách thức vị thế tối cao của hải quân Mỹ.
Để đối phó, hải quân Mỹ hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả trong công tác huấn luyện, đào tạo cũng như khả năng phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan, lực lượng vũ trang khác nhau.
Theo bản đề cương, duy trì và hiện đại hóa năng lực chiến đấu dưới đáy biển, một trong ba cột trụ răn đe chiến lược, là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng, quyết định sự sống còn của quốc gia.
Phát triển những cơ chế và khả năng mới để cung cấp thêm nhiều lựa chọn hơn cho giới lãnh đạo là một yêu cầu cấp thiết. Hoạt động của hải quân nên nhắm tới việc hạn chế, đồng thời kiểm soát căng thẳng leo thang theo hướng có lợi cho Mỹ. Bên cạnh đó, chiến tranh thông tin cũng là một lĩnh vực cần quan tâm, đầu tư nhiều nguồn lực.
Nhằm mang đến khả năng sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy và tầm nhìn xa cho các cá nhân, đội ngũ, tổ chức trực thuộc, lực lượng hải quân cũng cần chú trọng sử dụng các công nghệ, thiết bị mô phỏng, phân tích hay những công cụ hướng giáo dục, ông Richardson đề xuất.
Để đáp ứng yêu cầu chiến đấu ngày càng cao, hải quân Mỹ còn cần nỗ lực tìm cách xây dựng thêm các cấu trúc hạm đội thay thế, thông qua việc khai phá những nền tảng và đội hình hải quân mới.
Xây dựng các chương trình định hướng, phát triển nghề nghiệp hải quân sẽ góp phần nâng cao sự gắn bó và thúc đẩy các binh sĩ cống hiến. Những chương trình phát triển lãnh đạo cần được áp dụng sớm, dựa trên đặc điểm của từng cá nhân cũng như sự gắn kết với các giá cốt lõi của hải quân.
Theo ông Richardson, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế thông qua việc chia sẻ thông tin, tìm kiếm những sáng kiến tương tác mới hay tham gia các hoạt động chung với đối tác và đồng minh cũng là một trong những cách hiệu quả để tăng cường năng lực hải quân.
Sự trao đổi và phối hợp nhuần nhuyễn giữa hải quân với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức tư nhân cùng những đơn vị có liên quan thuộc các ngành khác nhau cũng sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và sức mạnh của lực lượng.
Vũ Hoàng