Tàu sân bay từ lâu được coi là "xương sống" giúp giữ vững năng lực duy trì hiện diện toàn cầu của Washington. Tuy nhiên, hôm 3/11, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, các quan chức quân sự hàng đầu nước này đã nêu lên những mối hiểm họa của việc không thể đảm bảo một hạm đội tàu sân bay đủ lớn, theo CNN.
Nhưng bản báo cáo mới nhất của chuyên gia hải quân Jerry Hendrix từ Trung tâm An ninh Mỹ Mới cho rằng vấn đề mà hải quân gặp phải không chỉ dừng lại ở việc thiếu tàu chiến hay phi cơ trên các sân bay di động này.
Lầu Năm Góc hiện tập trung phát triển các mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm nhưng không chuyên sâu để phối hợp tác chiến hay trang bị cho tàu sân bay. Trong khi đó, các nước đối thủ lại đang đẩy mạnh nghiên cứu những công nghệ vũ khí nhằm đánh chìm tàu sân bay Mỹ. Thực tế này buộc chúng ta phải nghĩ tới một viễn cảnh mà ở đấy hạm đội tàu sân bay Mỹ bị "xếp xó" vì không còn đất dùng, ông Hendrix nhận định.
Sự trỗi dậy về quân sự của những cường quốc mới còn buộc hải quân Mỹ phải xuất hiện ở những vùng nước xa xôi hơn, nằm ngoài tầm hoạt động của các chiến đấu cơ đóng trên tàu sân bay, ông cho biết thêm.
"Điều này sẽ hạn chế khả năng tác chiến của các đơn vị quân đội, từ đó làm suy giảm uy tín của Mỹ", Hendrix nói.
Áp lực thay đổi
Đội tàu sân bay cùng dàn chiến đấu cơ hay chiến hạm chúng mang theo luôn được miêu tả như nền tảng cho sức mạnh hải quân Mỹ từ khi Thế chiến II kết thúc tới nay. Hơn 70 năm qua, Lầu Năm Góc đã bỏ ra những khoản tiền đáng kinh ngạc nhằm mở rộng và nâng cấp hạm đội tàu sân bay, phục vụ cho mục tiêu củng cố ảnh hưởng toàn cầu.
Song, theo bản báo cáo, quyết định sai lầm của Washington trong gần 20 năm khi ưu tiên các chiến đấu cơ tầm ngắn, hạng nhẹ, thay vì phát triển máy bay tầm xa với khả năng tấn công thọc sâu, đang đe dọa tới sự an toàn của chiến hạm Mỹ. Việc các quốc gia đối thủ có xu hướng chú trọng vào những công nghệ tên lửa diệt hạm càng khiến vấn đề trở nên đáng báo động.
Hendrix đánh giá việc để mất tới 7 tàu sân bay trong Chiến tranh Thế giới II khiến hải quân Mỹ ban đầu ưu tiên chế tạo chiến đấu cơ có khả năng bay xa, tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, đồng thời giúp tàu sân bay giữ khoảng cách tối ưu với lãnh thổ của đối phương.
Nhưng đặt trong bối cảnh hải quân Mỹ có thể tiếp cận tất cả các vùng biển trên thế giới mà không gặp bất kỳ cản trở nào sau khi Liên Xô tan rã, mục tiêu này đã được thay đổi, chuyển hướng sang tập trung vào những chiến đấu cơ hạng nhẹ tầm ngắn đa nhiệm. Các máy bay này có chi phí bảo trì ít tốn kém hơn cũng như có thể xuất kích từ tàu sân bay nhanh hơn những chiến đấu cơ tầm xa trước đây.
Dù hải quân Mỹ cùng dàn chiến đấu cơ của mình vẫn được đánh giá là một lực lượng có sức mạnh áp đảo toàn cầu nhưng Hendrix cho hay bước thay đổi trong phương hướng phát triển cùng sự nổi lên của những sức mạnh mới, điển hình là Trung Quốc với kế hoạch theo đuổi công nghệ tên lửa diệt tàu sân bay tầm xa, có thể sẽ khiến các hạm đội Mỹ khốn đốn. Nga, Triều Tiên và Iran cũng đang đầu tư vào những công nghệ tên lửa tương tự.
Washington hiện vẫn rất tự tin vào năng lực của các hạm đội tàu sân bay. Ông William Marks, phát ngôn viên hải quân Mỹ, khẳng định "tàu sân bay là lực lượng trên biển duy nhất đủ sức thực hiện mọi hoạt động quân sự cần thiết để bảo vệ cho lợi ích quốc gia. Tàu sân bay cùng chiến đấu cơ chúng đem theo mang tới khả năng phản ứng linh hoạt tuyệt vời cho các chỉ huy".
Để chống lại những mối nguy hiểm đang gia tăng, hải quân đã trang bị cho các tàu khu trục và tàu tuần dương mới nhất trong cụm tàu sân bay chiến đấu của mình các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, đồng thời bổ sung những hệ thống cảm biến và ngắm bắn hiện đại cho tàu chiến và chiến đấu cơ, giúp các chỉ huy, phi công và thủy thủ đoàn chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực.
Chúng cho phép họ "phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu tiếp cận từ khoảng cách hàng trăm km", Marks nhấn mạnh.
Dù vậy, Hendrixz nghi ngờ việc nâng cấp phòng thủ là chưa đủ. Theo ông, hải quân nên cân nhắc lại các loại chiến đấu cơ trong kế hoạch mua sắm, xem xét đầu tư vào những mẫu có tầm hoạt động xa hơn.
"Phạm vi tác chiến của máy bay cần được mở rộng để có thể thực hiện cả các nhiệm vụ tấn công thọc sâu", ông Hendrix nhận xét.
Một báo cáo khác từ Trung tâm Sức mạnh Hải quân Mỹ thuộc Viện Hudson cũng cho rằng Washington nên tăng cường phạm vi hoạt động của các chiến đấu cơ nhằm bảo vệ tốt hơn cho tàu sân bay.
Dakota Wood, chuyên gia quốc phòng tại Quỹ Heritage, trụ sở ở Washington, đồng tình với quan điểm của Hendrix. Theo ông, hải quân nên điều chỉnh cách tư duy về tàu sân bay khi mà năng lực chống hạm của các đối thủ đang ngày một lớn mạnh.
Tuy nhiên, bất kỳ lời bình luận nào nói tàu sân bay sẽ bị "thất sủng" đều là những nhận định thiếu chín chắn bởi hiện tại rất ít quốc gia sở hữu vũ khí có đủ độ chính xác để tạo thành mối đe dọa cho tàu sân bay Mỹ, Wood nói. "Tôi nghĩ tàu sân bay sẽ tồn tại với diện mạo như bây giờ thêm khoảng vài năm nữa".
Vũ Hoàng