Hải quân Mỹ hôm 12/4 công bố báo cáo ngân sách cho thấy chi phí vận hành một tàu chiến đấu ven biển (LCS) tiêu tốn khoảng 70 triệu USD/năm, so với 81 triệu USD của một tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Chi phí vận hành quá tốn kém là vấn đề mới nhất với LCS, mẫu tàu chiến từng được kỳ vọng là trụ cột trong lực lượng hải quân Mỹ vào năm 2025.
Hải quân Mỹ thừa nhận mô hình thủy thủ đoàn nguyên gốc 40 người của tàu LCS là một phần nguyên nhân khiến chi phí bảo dưỡng tăng cao, do các nhà thầu dân sự phải làm nhiều công việc hơn khi tàu lên ụ bảo dưỡng, thay vì những đầu việc mà thủy thủ đoàn có thể thực hiện trong quá trình làm nhiệm vụ.
Chi phí vận hành gần tương đương nhau, nhưng tàu LCS có năng lực tác chiến thua kém rõ rệt so với những khu trục hạm lớp Arleigh Burke.
Arleigh Burke hiện là loại tàu chiến mặt nước chủ lực và đông đảo nhất trong biên chế hải quân Mỹ, những chiếc thuộc biên bản Flight III mới nhất có lượng giãn nước tới 9.600 tấn. Trong khi đó, tàu LCS chỉ có lượng giãn nước 3.100-3.500 tấn.
Các tàu khu trục Arleigh Burke cũng có năng lực tác chiến vượt trội. Mỗi tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis và nhiều cảm biến, vũ khí hiện đại với 90-96 ống phóng tên lửa thẳng đứng, pháo hải quân 127 mm và 25 mm, hệ thống phòng thủ cực gần Phalanx, ống phóng ngư lôi và hai trực thăng MH-60R.
Trong khi đó, lớp LCS không có bệ phóng thẳng đứng, chỉ có tàu USS Gabrielle Giffords được lắp bệ phóng tên lửa chống hạm RGM-184A NSM sau nhiều trở ngại. Hải quân Mỹ dự định trang bị tên lửa NSM cho toàn bộ lực lượng LCS, trong đó mỗi tàu mang được 8 quả đạn.
Những chiếc LCS cũng có thể mang bệ phóng tên lửa AGM-114L và pháo tự động 25 mm, nhưng không phải tàu nào cũng có thể tích hợp chúng. Vũ khí hiện đại nhất trên tàu chiến đấu ven biển hiện nay là trực thăng MH-60R và máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm 2019 công bố báo cáo cho thấy hải quân Mỹ đã chi 30 tỷ USD cho chương trình LCS kể từ năm 2004. Tính đến đầu năm 2021, mới chỉ có 21 tàu được đưa vào biên chế, chậm hơn nhiều so với kế hoạch 49 chiếc hoạt động trước năm 2020. Giới quan sát nhận định đây là một trong những dự án vũ khí lãng phí nhất của Lầu Năm Góc, có nguy cơ hủy hoại sức mạnh hải quân Mỹ.
Vào thời điểm năm 2004, LCS được đánh giá là chiến hạm có thiết kế hiện đại, giá rẻ, linh hoạt và tối ưu cho nhiệm vụ tuần tra các vùng biển nông gần bờ, có giao thông hàng hải nhộn nhịp như ở Trung Đông.
Vấn đề lớn nhất với chương trình LCS là khái niệm tác chiến. Hải quân Mỹ đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm để đóng tàu LCS nhưng lại không xác định rõ cách sử dụng chúng trong thực tế. Do thiết kế vội vã, lớp tàu này cũng liên tiếp gặp vấn đề với kết cấu và hệ thống cơ khí.
Các tàu chiến trước đó được chế tạo rất vững chãi để đối phó thiệt hại trong chiến đấu, trong khi LCS sử dụng vật liệu nhẹ để tiết kiệm chi phí và giảm mớn nước, cho phép chúng hoạt động ở vùng biển nông gần bờ. Điều này khiến LCS dễ bị đe dọa bởi các hệ thống phòng thủ bờ của đối phương.
Hải quân Mỹ phát triển tàu chiến đấu ven biển theo nguyên lý module, cho phép kết hợp nhiều vũ khí và thiết bị không người lái, giúp LCS dễ dàng chuyển đổi thành các loại tàu chiến khác nhau tùy thuộc nhiệm vụ. Tuy nhiên, các module lại gặp vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng, khiến số tàu LCS nhiều hơn vũ khí có thể lắp đặt cho chúng. Lầu Năm Góc sau đó phải ngừng theo đuổi phương án lắp module vũ khí và trang bị các khí tài cố định cho từng tàu.
Vũ Anh (Theo Drive)