Tại cuộc họp cuối tháng 11/2024, cấp trên của Thủy thông báo Ban Tuyên giáo của họ sẽ sáp nhập với Ban Dân vận và dư ra một số vị trí. Cô xung phong nộp đơn xin nghỉ việc.
"Khi biết Nghị quyết 18, tôi thấy đó là chủ trương đúng đắn", Lạc Thủy, công chức của một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long nói.
16 năm làm việc trong cơ quan nhà nước, Thủy thừa nhận sự ổn định của công việc là lợi thế nhiều người mơ ước. Cô có mức lương 13-14 triệu đồng, ba năm tăng một lần và chưa bao giờ bị chậm. Cùng với thu nhập của chồng tại một cơ quan điện lực, gia đình ba người có cuộc sống dư dả tại một thành phố nhỏ.
"Nhưng sự ổn định dần trở thành chiếc kén bóp nghẹt mọi thú vị trong cuộc sống", Thủy nói. Những khát khao trải nghiệm, dấn thân vào một môi trường năng động hơn bắt đầu nhen nhóm. Cô cũng ức chế vì làm việc trong môi trường "bị sếp đì" và cảm thấy bức xúc vì nhiều người có năng lực muốn phát triển nhưng không có cơ hội, trong khi một bộ phận yếu kém, lười làm mà vẫn hưởng lương đầy đủ.
"Bộ máy hiện tại quá cồng kềnh. Có những người không năng lực, không nhiệt huyết vẫn cố bám trụ", cô nói.
Quyết định của Thủy khiến cả gia đình lo lắng, bạn bè phản đối. Bố mẹ hai bên chỉ mong con yên ổn trong nhà nước đến khi nghỉ hưu, giống họ.
Trái ngược với một bộ phận muốn ra ngoài như Thủy, lại có một nhóm khác rơi vào trạng thái lo lắng, bất an trước làn sóng sáp nhập.
Tại Hà Nội, khuya 14/1 không khí ở Đài truyền hình kỹ thuật số VTC trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Khu vực trung tâm Tổng khống chế - nơi vốn là "cấm địa" nay được mở cửa cho tất cả nhân viên. Hàng trăm người cùng nhau ngồi xem lại những thước phim ghi dấu 20 năm phát triển của Đài. Đồng hồ dần tiến tới số 12, tất cả đồng thanh đếm ngược thời khắc màn hình chuyển màu đen trên cả 13 kênh.
"Đó là thời khắc lịch sử bi tráng", nhà báo Việt Khoa, một trong những nhân sự đầu tiên xây dựng Đài VTC nói. "Người làm báo vốn mạnh mẽ, kiên cường trên mọi mặt trận tác nghiệp, nhưng trong thời khắc đó, sự mềm yếu đã lấn át".
Theo Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, cùng với Truyền hình Nhân dân, Kênh truyền hình VOV, Thông Tấn và Quốc hội, sẽ được sáp nhập về Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Nhà báo Việt Khoa hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, cho rằng đây là bước đi cần thiết để tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng phục vụ khán giả. Nhưng điều anh không lường trước là hơn 740 nhân viên rơi vào tình trạng "chưa biết đi đâu về đâu".
"Liệu nghề nghiệp bao năm gắn bó có còn được tiếp tục?", anh lo lắng. Câu hỏi này càng nan giải, khi anh Khoa đã ở độ tuổi 50, rất khó để tìm một cơ quan nào sẵn sàng ký hợp đồng, chưa nói đến cơ hội vào biên chế.
Cảm giác bất định cũng lan đến nhiều công chức ở các cơ quan khác. Thanh Vy, 38 tuổi, công tác tại một cơ quan thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết cơ quan cô giảm từ 16 xuống 8 đầu mối. "Bộ phận của tôi bị giải thể. Tất cả, từ người ký hợp đồng ngắn hạn đến dài hạn, đều phải rời đi", Vy chia sẻ.
Vy được sắp xếp vào một vị trí mới sau khi sáp nhập vì "đã biên chế" nhưng nhiều đồng nghiệp lâu năm của cô không được như vậy. Mấy hôm nay họ lặng lẽ thu dọn đồ đạc, chia tay nhau. Tất cả diễn ra ngay trước thềm năm mới.
"Có gia đình hai vợ chồng cùng mất việc. Thật sự là cú sốc", Vy kể.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho biết chủ trương tinh gọn bộ máy là sự hy sinh cần thiết để bộ máy giảm sự cồng kềnh, tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả.
Trước những thay đổi đang và sắp diễn ra, ông Sơn khuyên người lao động cần chuẩn bị tâm thế chủ động. Đối với những người lựa chọn ở lại, việc nâng cao kỹ năng, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ mới là cần thiết. Còn với những người buộc phải rời đi, việc trang bị kiến thức, kỹ năng và xây dựng kế hoạch cho sự nghiệp mới là cách để đối mặt với thách thức.
"Những câu chuyện của Việt Khoa, Thanh Vy và Lạc Thủy cho thấy trong mỗi cuộc cải tổ lớn, sự đánh đổi là không tránh khỏi", ông Sơn nói. "Nhưng vượt lên tất cả, đây là cơ hội để xã hội vận động theo hướng hiệu quả hơn, đồng thời tạo động lực để mỗi cá nhân tự đổi mới mình".
Bộ Nội vụ mới đây đã có hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị.
Lạc Thủy cho biết nếu theo hướng dẫn này, cô có thể nhận được 800 triệu đồng trợ cấp. Đây sẽ là khoản không nhỏ giúp cô theo đuổi sự nghiệp mới. Suốt 7 năm qua Thủy đã tự học về kinh tế vĩ mô, tài chính cá nhân, đầu tư bất động sản và chứng khoán. Kế hoạch tương lai của cô là làm việc 5 năm tại một doanh nghiệp tư nhân để lấy lại sự trẻ trung, năng động, đồng thời học thêm bằng cấp về tư vấn tài chính. Nếu mọi việc thuận lợi, cô sẽ mở công ty riêng trong lĩnh vực này.
"Nhiều năm qua tôi đã mơ về ngày này nhưng nay mới dám can đảm rời bỏ công chức", cô nói.
Phan Dương