"Có hai giả thuyết về động cơ vụ đánh bom nhắm vào xe buýt chở du khách Việt Nam tại Ai Cập. Đây có thể là hành động của Phong trào Hasm nhưng bị nhầm mục tiêu, hoặc phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở bán đảo Sinai thực hiện phương thức tấn công mới để phục vụ mục đích của mình", nhà phân tích an ninh Oded Berkowitz hôm nay viết trên mạng xã hội Twitter.
Berkowitz đề cập đến vụ xe buýt chở 18 người, trong đó có 15 du khách Việt Nam, bị trúng bom tự chế chiều tối 28/12 trên đường Mariyutiya ở quận Al-Haram, tỉnh Giza. Ba du khách người Việt và một hướng dẫn viên người Ai Cập thiệt mạng trong vụ nổ.
Theo chuyên gia này, hình ảnh hiện trường sau vụ nổ cho thấy đây nhiều khả năng là thiết bị nổ tự chế (IED) dạng mìn định hướng (claymore), loại vũ khí thường được nhóm Hồi giáo cực đoan có tên Phong trào Hasm sử dụng để gây tội ác tại Ai Cập.
Phong trào Hasm từng dùng IED dạng claymore để tấn công một xe cảnh sát ở quận Maadi, phía nam Cairo ngày 18/6/2017, khiến hai sĩ quan cảnh sát thiệt mạng, 4 binh sĩ quân đội bị thương nặng.
Phong trào Hasm xuất hiện từ năm 2015, là nhóm phiến quân Hồi giáo từng thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố ở Ai Cập vào năm 2016. Tổ chức này bị Mỹ xếp vào danh sách các nhóm khủng bố toàn cầu vào ngày 31/1/2018. Tuy nhiên, Phong trào Hasm từng nhiều lần tuyên bố chỉ thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Ai Cập và sẽ làm mọi cách để tránh gây thiệt hại dân thường.
Ngoài Phong trào Hasm, chính phủ Ai Cập còn phải đối phó với nhiều nhóm cực đoan khác trỗi dậy từ tình hình bất ổn sau phong trào Mùa xuân Arab khiến tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào năm 2011. Người kế nhiệm ông là Mohammed Morsi, thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo, cũng bị phế truất sau đó hai năm, mở đường cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi lên nắm quyền cho tới nay.
Những biến động chính trị và các cuộc đảo chính ở Ai Cập tạo điều kiện cho các nhóm phiến quân như Al-Jama'a al-Islamiya và Ansar Bayt al Maqdis (Những người ủng hộ Jerusalem) trỗi dậy và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào dân thường và du khách để gây rối loạn ở quốc gia này. Năm 1997, nhóm Al-Jama'a al-Islamiya tiến hành vụ thảm sát tại một khu khảo cổ tại Deir el-Bahari, khiến 62 khách du lịch thiệt mạng.
Nhóm Ansar Bayt al Maqdis ban đầu có quan hệ với al-Qaeda, nhưng từ năm 2014 chuyển sang trung thành với IS và đổi tên thành Wilayat Sinai, có nghĩa là "tỉnh Sinai" với mục tiêu chống lại chính quyền trung ương Ai Cập bằng các vụ tấn công khủng bố gây thiệt hại kinh tế và lo sợ trong dư luận.
Wilayat Sinai bắt đầu được biết đến rộng rãi khi nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom chuyến bay số hiệu 9268 của hãng Metrojet Nga, khiến toàn bộ 224 người thiệt mạng hồi tháng 10/2015.
Nhóm này cũng từng dùng thiết bị nổ tự chế (IED) tiến hành các vụ đánh bom ở thủ đô Cairo của Ai Cập ở giai đoạn 2015-2016, thậm chí còn nhằm vào một xe chở khách du lịch Hàn Quốc hồi đầu năm 2014 khiến 4 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chúng đã chuyển sang phương thức xả súng và đánh bom tự sát từ cuối năm 2016, gần như toàn bộ mục tiêu đều thuộc cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập.
Trong hai năm qua, Wilayat Sinai liên tục tấn công người Thiên chúa giáo để kích động bạo lực tôn giáo, làm suy yếu liên kết xã hội và gây bất ổn cho quốc gia này. Tuy nhiên, cách thức này đã hoàn toàn thất bại, khi chỉ tạo ra được một số cuộc biểu tình rất nhỏ để phản đối chính phủ.
"Dường như IS đang trở về với chiến thuật tấn công nhắm vào du khách, nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế và phá hoại uy tín quốc tế của Cairo và duy trì sự bất ổn tại quốc gia này", Berkowitz nhận xét. "Xét về quan điểm lợi ích, tôi cho rằng đặc điểm của vụ đánh bom xe chở du khách này nhiều khả năng do phiến quân thân IS thực hiện hơn".
Vụ đánh bom chiếc xe buýt chở du khách Việt gần Cairo là vụ tấn công đầu tiên bằng thiết bị nổ tự chế nhắm vào khách du lịch nước ngoài ở Ai Cập trong ba năm qua, kể từ sau vụ đánh bom máy bay Nga năm 2015.
Chuyên gia Berkowitz cho rằng đây có thể là dấu hiệu mới cho thấy Wilayat Sinai đang thay đổi cách thức hoạt động, áp dụng vũ khí khủng bố của các nhóm khác để gây thiệt hại cho ngành du lịch đang cố gượng dậy của Ai Cập cũng như gieo thêm bất ổn ở quốc gia này.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là nhận định ban đầu của các chuyên gia an ninh. Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công và Ai Cập đang mở cuộc điều tra khẩn cấp để làm rõ thủ phạm đứng sau vụ đánh bom.