"Chúng tôi đang trên đường đến một chương trình âm thanh và ánh sáng thì nghe thấy tiếng nổ. Rất tồi tệ, mọi người đều la hét", Lan Le, 41 tuổi, du khách có mặt trên xe, kể lại, theo Reuters.
Trong số 4 người thiệt mạng có 3 du khách Việt Nam và một hướng dẫn viên người Ai Cập. Quả bom phát nổ lúc 18h15 (23h15 Hà Nội) ngày 28/12, khi chiếc xe chở đoàn khách đi qua quận Al-Haram, Giza, cách quần thể kim tự tháp Giza chưa đến 4 km, theo Bộ Nội vụ Ai Cập. Bom được giấu sau một bức tường, cách vị trí chiếc xe 5-6 mét. Công ty tổ chức tour Saigontourist nói rằng cách du khách khi đó đang trên đường đến nhà hàng ăn tối.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cho biết trên chiếc xe gặp nạn có 18 người, trong đó có 15 công dân Việt Nam và ba người Ai Cập.
"Tôi đang trên xe buýt từ chỗ làm về nhà thì nghe thấy một tiếng nổ lớn. Chúng tôi tưởng có xe rơi từ trên cầu xuống. Sau đó, tôi nhìn thấy người dân và các tài xế taxi bỏ chạy. Họ bảo rằng một xe buýt du lịch vừa nổ", nhân chứng Ali Fekri cho biết.
Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã đến thăm các du khách bị thương trong bệnh viện Al Haram. "Xe buýt đi chệch khỏi tuyến đường được bảo đảm bởi lực lượng an ninh", Madbouly nói với kênh Extra News. Tuy nhiên, tài xế sau đó bác bỏ thông tin này, khẳng định rằng ông không đi chệch.
"Chúng tôi đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để giảm tác động của vụ này. Điều quan trọng bây giờ là chăm sóc những người bị thương", Thủ tướng Madbouly cho biết thêm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Hafez gọi vụ tấn công là hành động khủng bố.
"Vụ đánh bom xe chở khách du lịch là hành vi hèn hạ đáng ghê tởm", ông viết trên Twitter. "Chúng tôi xin chia buồn với thân nhân của các nạn nhân người Việt Nam và Ai Cập. Chúng ta sẽ tiếp tục với quyết tâm nhổ tận gốc rễ chủ nghĩa khủng bố".
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị Ai Cập cấp thị thực khẩn cho thân nhân của những người bị nạn, để sớm sang Ai Cập phối hợp với các bên liên quan giải quyết quyền lợi cho các nạn nhân. Phía Ai Cập cam kết giúp đỡ và tạo điều kiện cho các du khách Việt Nam không bị thương được trở về nước an toàn.
Mỹ, Anh và Arab Saudi đã lên án vụ tấn công. "Chúng tôi sát cánh với tất cả người Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố và ủng hộ chính phủ Ai Cập trong việc đưa thủ phạm ra công lý", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino nói.
Chưa có bên nào nhận trách nhiệm vụ đánh bom. Những kẻ cực đoan Hồi giáo, bao gồm các chiến binh liên kết với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đang hoạt động ở Ai Cập và từng nhắm mục tiêu vào du khách nước ngoài.
Đây là vụ đánh bom nhắm vào khách du lịch đầu tiên ở Ai Cập trong ba năm, kể từ sau vụ gài bom khiến 224 người trên máy bay chở khách du lịch Nga đi qua bán đảo Sinai thiệt mạng vào tháng 10/2015. Tháng 7/2017, một kẻ cực đoan tại khu nghỉ mát ở Hurgada dùng dao đâm chết hai du khách Đức.
Ai Cập trong nhiều năm qua đã chiến đấu với cuộc nổi loạn của phiến quân Hồi giáo ở Bắc Sinai - phong trào phát triển mạnh mẽ sau cuộc lật đổ tổng thống Mohamed Morsi năm 2013. Kể từ tháng hai, lực lượng an ninh tiến hành chiến dịch lớn tập trung vào bán đảo Sinai nhằm quét sạch chi nhánh IS tại địa phương. Quân đội Ai Cập cho biết 450 chiến binh Hồi giáo và 30 lính Ai Cập chết trong chiến dịch này.
Quần thể kim tự tháp Giza, bao gồm ba khu phức hợp kim tự tháp và tượng Đại nhân sư cách trung tâm Cairo khoảng 13 km, là điểm đến nổi tiếng thu hút du khách toàn cầu. Đại kim tự tháp Giza (kim tự tháp lớn nhất và lâu đời nhất trong quần thể) là công trình duy nhất còn tồn tại trong số 7 kỳ quan thế giới cổ đại.