Ưu tiên nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền phục vụ nhu cầu thật, vốn khan hiếm nhiều năm, có thể giúp thị trường vượt khủng hoảng là quan điểm của nhiều chuyên gia trong bài viết 'Nhà giá rẻ sẽ phá băng bất động sản'.
Đồng quan điểm trên, độc giả có nickname quangsacmau nói: "Ai kinh doanh đều biết khái niệm "kim tự tháp" được cắt ngang ba phần cùng chiều cao: Phần đỉnh là giới giàu có, tỷ lệ quá nhỏ, phần trung lưu cũng vừa phải, và phần đáy là người có thu thập trung bình nhưng tiền tích luỹ hạn hẹp. Vậy ai cũng suy ra được nguy cơ rủi ro khi có quá nhiều BĐS cao cấp nhắm tới khách hàng có nhiều tiền.
Nhu cầu cao là vậy, thế nhưng độc giả có nickname suncovn2016 đánh giá rằng chuyện nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp chỉ nằm trên lý thuyết vì người mua phải chịu thêm giá trung gian: "Khi dự án được phê duyệt và hoàn thành thì được bao nhiêu người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội?
Khi đăng ký mua nhà ở xã hội, người mua (người có nhu cầu nhà ở thực sự) phải chờ bốc thăm, phải làm nhiều hồ sơ để chứng minh đủ điều kiện mua nhà xã hội (đây là những việc không dễ dàng).
Người có nhu cầu thực sự muốn mua dễ dàng hơn thì cách tốt nhất là tìm mua lại của F1 (qua môi giới những người mua đi bán lại) với mức giá chênh lệch. Từ nhà ở xã hội cũng dần trở thành nhà thương mại, giá cả bị đẩy lên cao khiến người thu nhập thấp rất khó để tiếp cận, chỉ những người có mức thu nhập trung bình khá họ mới dám mua và mới đáp ứng được điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng.
Cơ quan quản lý cần phải có cơ chế giám sát những dự án nhà ở xã hội để đảm bảo các chủ đầu tư thực hiện đúng với hồ sơ xin dự án và bán đúng đối tượng".
Trong khi đó, độc giả có nickname bquangminhvn cho rằng giá đất cao là yếu tố thứ hai khiến nhà ở xã hội khó khả thi: "Giá đất ở thành phố cao như "chín tầng mây", giá vật tư xây dựng, nhân công đều cao thì lấy đâu ra nhà giá rẻ trong khu vực các quận ở Hà Nội hay TP HCM?
Nếu xây ở xa, khu vực ngoại thành mà không có kết nối hạ tầng giao thông công cộng thì liệu giá rẻ có ai mua hay lại đầu cơ để đấy chờ quy hoạch rồi bán giá đắt? Có bao nhiêu người vừa có nhu cầu mua nhà giá rẻ vừa có thể ngày di chuyển vài chục km đi làm bằng phương tiện cá nhân? Thời gian di chuyển và chăm sóc con cái nhiều thì năng suất lao động kém và thu nhập thấp... bài toán này tôi thấy vô nghiệm mất rồi".
>> Hiệu ứng 'domino tăng giá' nếu có thuế BĐS thứ hai
Trong khi đó, độc giả có nickname vienga88 nêu những yếu tố khiến nhà ở giá rẻ khó thành hiện thực:
"Nhà ở xã hội thì phải rẻ, giá tầm 500-800 triệu đồng. Nếu muốn có mức giá này thì phụ thuộc nhiều yếu tố:
- Giá đất: chọn các vị trí giá đất rẻ hoặc được nhà nước quy hoạch làm nhà ở xã hội.
- Giá vật tư xây thô: sắt, xi măng, cát, bê tông, này do giá thị trường từng thời điểm.
- Giá vật tư hoàn thiện: dây cáp, ống nước, bóng đèn, công tắc, phòng cháy chữa cháy, thang máy, nội thất cơ bản. Nếu chọn loại cao cấp thì giá cao còn loại rẻ thì niên hạn sử dụng ngắn.
- Mật độ xây dựng: xây dựng càng nhiều thì chi phí đất sẽ giảm. Giảm tối đa mảng xanh, công viên, tiện ích để xây nhà.
Như vậy rất khó để có nhà ở xã hội giá rẻ. Một ví dụ đơn giản là bây giờ xây căn nhà cấp bốn nhỏ ở quê cũng đã hơn 300 triệu đồng, chưa kể tiền đất".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.