Sau bốn ngày xét xử liên tục, chiều 24/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La trình bày bản luận tội với 12 bị cáo trong vụ án gian lận thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018.
Theo VKS, cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Yến giữ vai trò chính trong vụ án, các bị cáo còn lại đồng phạm với vai trò giúp sức tích cực. Hành vi của các bị cáo đã xúc phạm danh dự thầy cô giáo, làm mất năng lực học thật của học sinh, gây bức xúc trong nhân dân. Quá trình điều tra, xét xử, nhiều bị cáo thành khẩn khai báo, trừ Trần Văn Điện (cựu cán bộ Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp thành phố Sơn La), Nguyễn Minh Khoa (thượng tá, Phó Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
VKS nhận định, 12 người vì động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ đã cùng nhau nhận thông tin, tác động nâng điểm cho 44 thí sinh, từ 29/6 đến 3/7/2018 tại kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Ông Trần Xuân Yến nhận thông tin cá nhân của 13 thí sinh để chuyển cho bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) sửa bài thi, nâng điểm. Không trực tiếp sửa bài nhưng ông Yến đã cho phép thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm sửa bài thi cho nhiều thí sinh khác.
Sau mỗi lần can thiệp, bà Nga cùng Đặng Hữu Thuỷ (cựu hiệu phó trường THPT Tô Hiệu) xoá, quét lại bài thi và thay đổi giờ hệ thống trên máy tính để phù hợp với thời gian quét ảnh bài thi gốc trước đó. Bà Nga bị cáo buộc chủ động thống nhất với đồng bọn về thời gian đến địa điểm rút bài thi và trực tiếp chuẩn bị phương tiện phục vụ việc sửa bài. Khi vụ việc bị phát giác, bà xoá dữ liệu trên máy tính để che giấu hành vi theo sự chỉ đạo của ông Yến.
Về tội Nhận hối lộ, bà Nga khi thực hiện nhiệm vụ đã nhận 1,04 tỷ đồng của Trần Văn Điện để nâng điểm cho bốn thí sinh. Khi chấm thi, bà còn nhận thông tin của 16 thí sinh từ những người khác để trực tiếp sửa, nâng điểm.
Ông Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) nhận của ông Nguyễn Minh Khoa một tỷ đồng để nâng điểm cho hai thí sinh.
Bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng Chính trị Tư tưởng) nhận 440 triệu đồng của bà Hoàng Thị Thành để sửa bài thi cho một thí sinh là con trai bà Thành. Ông Huynh nhận của bà Lò Thị Trường 300 triệu đồng để giúp nâng điểm cho con trai bà Trường.
Từ những phân tích trên, đại diện VKS đề nghị TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) 16-17 năm tù về tội Nhận hối lộ, 7-8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, tổng 23-25 năm tù; Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) 17-18 năm tù về tội Nhận hối lộ, 6-7 năm tù về Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, tổng cộng 23-25 năm tù; Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo) 4-5 năm tù về tội Nhận hối lộ, 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, tổng cộng 9-11 năm tù.
Cùng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, VKS đề nghị tuyên phạt ông Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) 7-8 năm tù, Đặng Hữu Thuỷ (hiệu phó trường THPT Tô Hiệu) 6-7 năm, Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) 5-6 năm, Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) mỗi người 2-3 năm.
Về tội Đưa hối lộ, VKS đề nghị phạt Nguyễn Minh Khoa (cựu thượng tá, phó phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) 12-13 năm tù, Trần Văn Điện (cựu cán bộ Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp thành phố Sơn La) 12-13 năm, Hoàng Thị Thành (cựu chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai) và Lò Thị Trường mỗi người 2-3 năm.
Ngoài hình phạt tù, VKS đề nghị tuyên phạt bổ sung mỗi bị cáo từ 30 đến 50 triệu đồng về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 40-60 triệu đồng về tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ.
Ngày mai, phiên toà bắt đầu phần tranh tụng.