Sau giờ làm tại cơ quan nghiên cứu ở Hà Nội, Phan Quốc Dũng trở về nhà với nụ cười tươi rói. Vẫn cách nói chuyện cởi mở, biểu đạt linh hoạt như hai năm trước, thời điểm mới giành học bổng toàn phần Erasmus Mundus do Liên minh châu Âu tài trợ, nhưng Dũng ở hiện tại chín chắn hơn.
Hai năm trước, chàng trai Hà Nội học thạc sĩ Quản lý rừng nhiệt đới bền vững ở Đức và Đan Mạch. Nhớ về quãng thời gian này, anh thốt lên "đến giờ vẫn không thể tin mình đã vượt qua".
Giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ ở hai nước châu Âu, Dũng chọn Đại học Công nghệ Dresden (Đức) cho năm đầu tiên và Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho năm tiếp theo. Lường trước những khó khăn có thể gặp phải khi sang môi trường mới nên Dũng quyết định chọn Đức là điểm đến đầu tiên vì cộng đồng người Việt ở quốc gia này rất lớn, có thể tìm kiếm sự giúp đỡ.
Lần đầu tiên phải tự làm thủ tục hành chính ở nước ngoài như đăng ký tạm trú, xin cấp mã số thuế, Dũng lúng túng vì bất đồng ngôn ngữ. Anh nhớ như in tấm biển bằng tiếng Anh ở một cơ quan nhà nước với nội dung "Chúng tôi chỉ chấp nhận trả lời bằng tiếng Đức". Dù đã học khóa tiếng Đức ngắn hạn trước khi du học, anh vẫn không thể tự mình làm hết các thủ tục trong những ngày đầu.
Xác định từ đầu là chương trình học sẽ nặng, Dũng vẫn nghĩ sẽ không quá khó khăn bởi từng là thủ khoa kép Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, cũng từng nhiều lần tham gia chương trình trao đổi học thuật ngắn hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, 9X Việt sốc với cách đánh giá của giảng viên. Như ở các phần kiểm tra vấn đáp trong kỳ học đầu tiên, Dũng tự thấy trả lời đến 90%. Thầy cô cũng gật gù bảo "Good" (tốt) khiến Dũng càng chắc chắn giành điểm cao. Nhưng khi nhận kết quả, mức điểm lại không như mong muốn khiến anh bất ngờ.
"Nếu ở Việt Nam, các thầy cô sẽ bảo Hãy nói sâu hơn, hay Phần trả lời của em là chưa đủ để mình biết cần bổ sung. Nhưng ở đây thì không", Dũng chia sẻ. Đó là bài học nhắc anh cẩn trọng hơn trong những bài thi sau.
Do đặc thù ngành học, Dũng có chuyến đi thực địa ở Nepal. Trải nghiệm cuộc sống ở độ cao gần 4.000 m trong 20 ngày, không có đủ nước để tắm gội, không wifi, muốn bắt 3G phải trèo lên mái nhà khuơ mỏi tay khiến Dũng phải bật cười mỗi khi nhớ lại. Chuyến đi tới đất nước Nam Á trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất trong một năm học chương trình ở Đức của chàng trai Việt.
Tháng 9/2019, Dũng bắt đầu việc học ở Đan Mạch. Không còn những khó khăn như ngày đầu sang Đức, cách giảng dạy, giúp đỡ sinh viên của các giảng viên Đan Mạch cũng khiến anh thoải mái hơn. Sau 6 tháng học tập, Dũng có 6 tháng để làm luận văn. Anh xác định sẽ đi làm nghiên cứu ở Lào với đề tài "Đánh giá vai trò của lâm sản ngoài gỗ đối với sinh kế của người dân tại Salavan". Sau nhiều ngày liên hệ, anh nhận được sự đồng ý giúp đỡ từ tổ chức WWF Lào.
Để chuẩn bị cho hành trình mới, Dũng về Việt Nam nghỉ ngơi hai tuần. Đến ngày sang Lào, anh hồ hởi bởi đã đi được đến chặng cuối. Thế nhưng, trên đường ra sân bay, phía đối tác gọi báo Lào đóng cửa biên giới, không chấp nhận người nước ngoài nhập cảnh vì Covid-19.
"Mọi thứ như đóng sập", Dũng nhớ lại. Theo quy định của chương trình học bổng, Dũng phải làm nghiên cứu ở một nước thứ ba, tức không phải Đan Mạch hay Việt Nam. Việc liên hệ với giáo sư hay tổ chức ở một nước thứ ba rất khó khăn mà thời gian còn lại không nhiều. Anh đành nhắn tình hình cho một số anh chị và được khuyên viết thư đề xuất cho nghiên cứu tại Việt Nam do Covid-19 ảnh hưởng toàn thế giới. Dũng làm theo và được hội đồng học bổng chấp thuận.
Được nghiên cứu ở Việt Nam, Dũng nhẹ nhõm nhờ có kinh nghiệm từ thời đại học, lại có sẵn mối quan hệ. Anh bắt tay ngay vào sửa đề cương luận văn cho phù hợp rồi liên hệ các địa phương. Kết quả, chỉ sau một tháng lên Sơn La, anh đã hoàn thành việc thu thập số liệu. Lúc này, điều Dũng phải phân vân là quyết định sang Đan Mạch để viết và bảo vệ luận văn hay xin ở Việt Nam bảo vệ online.
Nhiều người khuyên ở nhà, thầy cô lại nói có điều kiện thì nên sang. Bản thân Dũng cũng muốn trở lại Đan Mạch vì "6 tháng ở đó chưa đủ". Sang đó được trao đổi trực tiếp với thầy cô sẽ tốt hơn. Tính qua tính lại, Dũng quyết định lên đường.
Sang tới nơi an toàn và được thầy cô đánh giá cao vì khả năng xoay chuyển tình thế nhanh, Dũng có thêm động lực để viết luận văn. Nhưng rồi động lực lại nhanh chóng biến thành áp lực khi phải viết bài thâu đêm suốt sáng.
"Mình áp lực nhiều thứ mà lớn nhất là vấn đề đạo văn bởi đó là điều tối kỵ trong nghiên cứu khoa học. Vì vậy, cứ viết được một đoạn nhỏ, mình lại phải tra xem có thấy ở đâu đó không. Không cố ý nhưng vô tình đoạn nào đó bị trùng cũng có thể phá hỏng cả luận văn", Dũng nói.
Bản nháp đầu tiên nộp cho thầy cô, Dũng nghĩ chưa tốt nhưng không tệ đến mức gần nửa trong số hơn 60 trang bị bôi đỏ. Những ghi chú kiểu "Bạn lấy gì chứng minh", "Tại sao lại như thế" chằng chịt các trang bản thảo. Hóa ra, những gì anh áp dụng khi viết khóa luận ở Việt Nam chưa phù hợp với yêu cầu của giảng viên ở đây.
Nhìn bản nháp bị bôi đỏ, Dũng căng thẳng. Mất khoảng một tuần, anh buông bỏ, ngày đi chơi, chiều ra biển một mình và nhìn mọi thứ xung quanh để lấy lại cân bằng. Thời gian đó giúp Dũng nhận ra những vấn đề mà trước đó anh không thấy, để rồi hạ quyết tâm sửa lại bài.
Đến bản nháp thứ hai, thầy cô đã có đánh giá tốt hơn nhiều, Dũng thở phào, bắt tay sửa lần cuối và nộp bản chính thức trước thời hạn 3 ngày, hào hứng chuẩn bị cho ngày bảo vệ tốt nghiệp. "Muốn được trực tiếp trình bày kết quả nghiên cứu trước hội đồng, mình mới quyết định sang Đan Mạch dù phải đánh đổi bằng rất nhiều tiền và sức khỏe. Vậy mà gần đến ngày bảo vệ, thầy cô thông báo chuẩn bị tinh thần bảo vệ online vì Covid-19 phức tạp", Dũng nói.
Nhưng sau đó, đúng vào tuần Dũng tham gia bảo vệ, dịch bệnh được kiểm soát, anh được thực hiện trực tiếp. Một ngày trước ngày bảo vệ, Dũng nhận được thông tin về chuyến bay giải cứu từ Đức. Dù không biết ngày mai có bảo vệ thành công hay không, Dũng quyết định đăng ký để về nước một tuần sau đó.
Tự tạo áp lực phải về nước đúng hạn buộc Dũng phải bảo vệ luận văn thành công. Anh hồi hộp đến mức ngồi nghĩ ra viễn cảnh bị "hành" ra sao khi đứng trên bục thuyết trình. Nhưng đến cửa phòng, tấm biển đề "Bài kiểm tra miệng" thay vì "Bảo vệ luận văn" khiến Dũng thoải mái. Thay vì đứng trên bục, anh được ngồi bàn tròn với ba thầy cô và trình bày những gì đã chuẩn bị.
Hoàn thành bài bảo vệ sau gần hai tiếng, Dũng chỉ mong đạt 7/12 điểm để lấy được bằng. Không ngờ, anh đạt tới 10/12. Lòng vui sướng, anh về xếp đồ, đi xét nghiệm Covid-19 để được cấp hộ chiếu Covid và nhanh chóng về Đức để chuẩn bị cho chuyến bay về nước.
Ngay sau khi Dũng lên xe, tình hình Covid-19 ở châu Âu lại căng thẳng, Đan Mạch đóng cửa biên giới. "Mọi thứ đều đến vào phút chót khiến mình như muốn vỡ tung", Dũng nói.
Sau hành trình dài di chuyển trong bối cảnh Covid-19, Dũng cũng về đến Việt Nam, cách ly 14 ngày ở Cần Thơ. Nhìn lại thời gian học thạc sĩ, dù nhiều lúc căng thẳng đến tột độ, Dũng tự thấy đã gặp may mắn và có trải nghiệm quý giá.
Tháng 1 và tháng 3 vừa qua, Dũng lần lượt nhận được bằng thạc sĩ chuyên ngành "Rừng nhiệt đới" (thiên về kỹ thuật) và "Rừng và sinh kế" (thiên về xã hội) từ hai trường ở Đức và Đan Mạch. Hiện, Dũng là cán bộ nghiên cứu của một cơ quan nhà nước về lâm nghiệp. Ngoài công việc chính, anh thường xuyên nhận làm mentor, diễn giả trong các chương trình về du học.