"Em vẫn nhớ ngày cuối tháng 4 đó. Nhìn thấy email với cái tên Erasmus Mundus qua màn hình khóa của điện thoại sau gần hai tháng nộp hồ sơ, em đã nghĩ đó là thư chia buồn vì chiến thắng với một đứa sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu như em là rất hiếm. Em chần chừ lúc lâu trước khi mở ra đọc rồi vỡ òa sung sướng khi nhìn thấy chữ chúc mừng. Giây phút đó em không thể nào quên", Phan Quốc Dũng chia sẻ.
Cách đây 5 năm, Quốc Dũng là thủ khoa đầu vào khối A của Đại học Lâm nghiệp. Sau bốn năm rưỡi học ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên, em tiếp tục chinh phục danh hiệu thủ khoa đầu ra, có điểm tốt nghiệp cao nhất khóa học (3.87/4).
Ra trường, Dũng nhận được công việc trợ lý giám đốc tại Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Tới tháng 1/2018, sau bốn tháng, em chuyển về làm tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Dù đi làm, Dũng vẫn không ngừng ấp ủ giấc mơ du học bậc thạc sĩ với mong muốn tới các nước phát triển để học tập và nâng cao khả năng nghiên cứu, hướng đi em lựa chọn.
Dũng bắt đầu tìm hiểu về học bổng liên quan đến ngành học của mình. Cuối cùng, em lựa chọn Erasmus Mundus do Liên minh châu Âu tài trợ và trúng tuyển ngành Quản lý rừng nhiệt đới bền vững với mức hỗ trợ toàn phần gần 50.000 Euro (hơn 1,3 tỷ đồng).
Với học bổng này, nam sinh Hà Nội được chọn hai trong năm đại học của năm quốc gia Đức, Đan Mạch, Anh, Pháp và Italy. Em quyết định năm đầu học tại Đại học Công nghệ Dresden của Đức và thời gian còn lại học tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch).
Để giành được học bổng này, Dũng phải chuẩn bị hồ sơ gồm CV, thư giới thiệu, thư động lực, chứng chỉ IELTS tối thiểu 6.5 và nhiều loại giấy tờ khác. Từng là chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Anh của trường Lâm nghiệp, yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh không phải vấn đề với Dũng, nhưng thư động lực khiến em mất khá nhiều thời gian.
"Thư động lực là cơ hội để em khoe bản thân với hội đồng xét tuyển thông qua việc đề cập tới những thành tích học tập, nghiên cứu cùng tài năng hay hoạt động ngoại khóa. Nhưng nó không đơn giản chỉ là liệt kê mà phải làm sao để khoe thật khéo, khiến hội đồng giám khảo nhận thấy mình phù hợp với chương trình của họ", Dũng nói và cho biết đã mất hơn một tuần để hoàn thành lá thư này.
Trong bức thư, em đề cập đến thực trạng quản lý rừng ở Việt Nam, bày tỏ mong muốn được học hỏi thêm qua các giáo sư, bạn bè ở các nước về những cách sử dụng và bảo vệ rừng bền vững.
'Phải chọn lại, em vẫn chọn ngành học về rừng'
Dũng chia sẻ ngay từ những năm phổ thông đã xác định thi vào Đại học Lâm nghiệp bởi rất thích tìm hiểu về thiên nhiên. Càng đào sâu, em càng thấy vấn đề về lâm nghiệp hay tài nguyên thiên nhiên nói chung ở Việt Nam chưa được quan tâm nhiều. Đây cũng là vấn đề lớn ở các quốc gia. Vì vậy, Dũng quyết tâm theo học ngôi trường cách xa trung tâm Hà Nội với ngành học chưa bao giờ được cho là "hot".
"Nếu phải chọn lại, em vẫn không thay đổi quyết định năm đó của mình", Dũng nói và bày tỏ sự biết ơn khi gia đình luôn luôn ủng hộ lựa chọn của em.
Bốn năm đại học, Dũng tự hứa với bản thân phải giành được thành tích cao nhất có thể khi ra trường. Ngoài làm lớp trưởng và chủ nhiệm của câu lạc bộ tiếng Anh, Dũng đã thử sức và trúng tuyển tham gia nhiều chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn và nhiều chương trình tình nguyện liên quan đến ngành học.
Dũng là tình nguyện viên của chiến dịch Hành động vì Hạ Long xanh, Ngày hội làm sạch hồ Hà Nội hay Chúng tôi không muốn sừng tê giác. Em từng có một tuần trải nghiệm ở Nga khi giành giải khuyến khích cuộc thi "Sinh viên Lâm nghiệp quốc tế" lần thứ 12, được học tập tại Indonesia khi giành học bổng toàn phần của khoa Lâm nghiệp - Đại học Gadjah Mada, học bổng toàn phần chương trình rùa châu Á. Gần nhất, tháng 12/2017, Dũng là một trong 16 đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia chương trình Giao lưu thanh niên ASEAN - Hàn Quốc tại Siem Reap (Campuchia).
Tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Dũng quyết định tập trung học chuyên sâu hơn nên lựa chọn chương trình thạc sĩ Quản lý rừng nhiệt đới bền vững. Đây là ngành học phù hợp để em có kinh nghiệm nghiên cứu những vấn đề liên quan đến bảo vệ và sử dụng rừng ở một nước thuộc khu vực nhiệt đới như Việt Nam.
Mới học tập ở Đức được khoảng hai tháng, nhưng Dũng đã thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Chàng trai sinh năm 1995 chia sẻ được thực hành nhiều trong môi trường cởi mở. Trong các buổi học lý thuyết, kiến thức được trao đổi hai chiều giữa thầy và trò thông qua các cuộc thảo luận. Ngay sau đó, em sẽ có những tiết thực hành tại nhiều khu rừng ở Đức.
"Em đặc biệt yêu thích những cánh rừng, thích cảm giác được đi bộ trên con đường rừng sâu thẳm, hít hà sự trong lành và mát mẻ của không khí. Đi thực hành, em nhận thấy những cánh rừng ở Đức hầu hết là rừng trồng, nhưng người Đức bảo vệ rất tốt, trong khi Việt Nam chưa làm tốt bằng. Điều đó thôi thúc em phải cố gắng học hơn, làm điều gì đó nhằm kêu gọi thế hệ trẻ bảo vệ, gìn giữ những lá phổi xanh", Dũng nói.
Vào tháng 3 năm sau, em sẽ có chuyến thực địa hai tuần tới Nepal - quốc gia nhiệt đới. Dũng cho biết hiện tại chưa có nhiều dự định cụ thể, chỉ biết chắc chắn một điều rằng sẽ trở về nước làm việc để tiếp tục hướng nghiên cứu của mình như những gì đã tạo cho em động lực ra nước ngoài học tập.
TS Nguyễn Hồng Hải, Phó trưởng phòng Điều tra và Quy hoạch rừng (Đại học Lâm nghiệp), đánh giá Dũng là sinh viên có học lực tốt, chịu khó. "Dũng có khả năng đọc tài liệu tiếng Anh tốt và sự quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, em rất ham nghiên cứu khoa học", TS Hải nói và cho biết Dũng đã cùng ông nghiên cứu và có chung một công bố khoa học vào tháng 3/2018.
Khi biết tin Dũng giành học bổng của châu Âu cho bậc học thạc sĩ, ông Hải không bất ngờ bởi đã viết thư giới thiệu cho Dũng và luôn tin tưởng vào sự thành công của học trò.