"Điều này tôi đã rất nhiều lần nói rồi, mặc dù tôi cũng rất ghét karaoke: Không thể phạt và cũng không có căn cứ pháp lý để phạt làm ồn trước 22h:
Thứ nhất, luật chỉ quy định chung chung về tiếng ồn như thế, và với độ ồn 70dBA thì tiếng trẻ con khóc, tiếng máy xe, tiếng loa truyền thanh, tiếng gõ búa, sửa chữa nhà cửa đều vượt quá độ ồn đấy, loa đài đám cưới, đám ma, cũng vượt quá độ ồn đấy. Không thể nói là đám cưới thì có quyền mở nhạc to, còn karaoke thì cấm. Đấy là khung pháp lý.
Thứ hai, về công cụ đo độ ồn. Mặc dù một chiếc điện thoại bất kỳ bây giờ đều cài phần mềm đo độ ồn, nhưng nó chỉ là để tham khảo, không có giá trị pháp lý. Tôi lấy chính ví dụ đo nồng độ cồn hay bắn tốc độ. Mặc dù là dùng máy chuyên dụng, máy hoạt động hoàn toàn chính xác, còn mới, nguyên tem hãng, nhưng nếu không có tem kiểm định, hoặc tem kiểm định hết hạn, thì đều không đủ căn cứ xử phạt người vi phạm.
Nên giả sử muốn phạt, phải trang bị máy đo âm thanh chuyên dụng cho tất cả các xã phường, chứ điện thoại chỉ đo cho vui mà thôi".
Độc giả nickname Sông Đông êm đềm nêu hai lý do khó giải quyết triệt để nạn ô nhiễm tiếng ồn sau nỗi bức xúc karaoke 'tra tấn' hàng xóm trước 22h vì nghĩ đúng luật.
Đồng quan điểm, độc giả nickname thanhb2ntt1986 cho rằng thật khó để quản lý vì "thế nào mới là gây ồn":
"Đâu chỉ có tiếng ồn karaoke vượt ngưỡng? Toàn bộ những âm thanh tạp nham như là tiếng động cơ xe, máy bay, trẻ con khóc, máy móc hoạt động, tiếng chuông, tiếng chửi bới còn vượt xa tiếng ồn của karaoke, ai ngăn chặn được? Nếu ngăn chặn đúng theo luật thì phải ngăn chặn hết, liệu môi trường nước ta có khả thi?
Giả sử bạn đo tiếng ồn rồi báo công an phường, sau này nhà bạn có con khóc, hàng xóm đo tiếng ồn rồi họ báo công an phường? Vấn đề là làm sao xử lý hết tất cả các trường hợp gây ồn cho công bằng, cho đúng luật?".
*Quan điểm của bạn thế nào?
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.