Tôi chỉ có vài tích tắc để quyết định, bởi ngần ngừ thêm vài giây, tôi sẽ bị nhắc nhở, hàng chục cặp mắt xung quanh sẽ đổ dồn vào mình. Quan sát tình huống đó trong nhiều chuyến bay, tôi luôn thấy hầu hết mọi người chọn việc thả chiếc bình trong tay họ vào thùng rác, với thái độ tiếc rẻ. Có em nhỏ vừa đi qua cửa an ninh, vừa ngoái lại nhìn cái thùng rác mãi không thôi. Cảm giác này với tôi chưa bao giờ dễ chịu.
Trong khi đó, một chuyến bay đêm từ Bangkok qua Singapore, tôi lại quên đổ nước khỏi bình khi qua cổng an ninh. Một nhân viên người Thái chỉ vào chiếc thùng kế bên: "Bạn đổ nước vào đó". Nhìn vào chiếc thùng chứa chất lỏng, tôi biết có hàng trăm hành khách đã làm như vậy. Họ đổ nước, giữ lại chai, mỉm cười cám ơn nhân viên và thoải mái bước qua máy quét.
Rác thải nhựa đã trở thành cơn đau đầu mới của thế giới. Không phải tự nhiên mà có những du khách chọn việc cầm theo mình một chiếc bình dùng nhiều lần để đựng nước. Bởi họ biết, giảm thiểu những lần vứt chai nhựa ra ngoài môi trường là việc nên làm và bạn cũng có thể sử dụng nước uống miễn phí tại các sân bay trên nhiều quốc gia. "Dấu chân carbon" là hình ảnh xấu xí mà du khách văn minh không muốn để lại ở vùng đất mình chỉ lướt qua.
Bangkok - sau hàng thập niên làm du lịch - có lẽ hiểu rằng họ không muốn hứng chịu làn sóng rác nhựa, và đồng thời khiến du khách dễ chịu hơn khi không phải cáu kỉnh quay trở lại nhà vệ sinh đổ nước hoặc quăng luôn bình vì vội giờ bay.
Sân bay Tân Sơn Nhất giờ đây đã có vòi lấy nước uống miễn phí - một cải tiến tích cực dành cho hành khách. Nhưng cách người ta hành xử với những cái bình, chai nhựa, dường như chưa có sự tương đồng với vòi nước mới. Và bên trong phòng đợi ra máy bay, nước suối vẫn được bán với giá cắt cổ: 50.000 đồng mỗi chai một lít. Du khách vẫn phải bỏ tiền ra để vứt thêm một chai nhựa vào những bãi rác đã quá tải ở ngoại ô TP HCM - chưa kể cái chai họ đã phải bỏ lại bên ngoài quầy kiểm tra an ninh.
Những thái độ, dịch vụ nhỏ tại sân bay còn thể thể hiện tinh thần, văn hóa mà những người vận hành sân bay đó muốn tạo nên chứ không chỉ thuần túy là chuyện kinh doanh, tiền bạc. Người đi du lịch có thể chẳng xa lạ với những nhà hàng thực đơn nghèo nàn mà giá trên trời, các gian hàng bán thức ăn nấu dở, đồ dùng ngớ ngẩn với giá cao và thái độ lạnh lẽo. Nhưng Singapore là một câu chuyện khác. Chính phủ nước này mới đây muốn đẩy mạnh truyền thông với nét đặc sắc là "foot court", một khu vực ăn uống phong cách căn-tin tôi tạm dịch vui là "sân ăn".
Ở sân bay Changi, người đi chơi xa luôn có thể tìm thấy các "sân ăn" giá rẻ và chất lượng không tồi tại tầng hầm hoặc tầng lửng nhà ga. Có một bữa sáng, ở nhà ga số 4, tôi xếp hàng theo các nhân viên mặt đất vào một quầy ăn sáng. Hai quả trứng gà hấp gần chín tới, hai lát bánh mì phết bơ dứa và một ly cà phê, với giá chỉ gần 2 đô la Singapore. Mức giá ngang với cũng chừng đó thứ bạn mua từ một quầy hàng rong trên đường phố quốc đảo. Bạn đã từng nghĩ, tới Singapore sẽ tốn rất nhiều tiền, nhưng ngay khởi đầu ở sân bay, bạn có thể thấy "ấm bụng" và dễ chịu vì không có cảm giác "bị làm tiền". Sự dễ chịu, an tâm có thể bắt nguồn từ những điều rất nhỏ.
Cũng như một đêm, tôi đứng đợi xe đến ở sân bay Nadi, đảo quốc Fiji, và bồn chồn không biết khi nào có xe. Nhân viên sân bay dắt tôi ra đúng chỗ đợi xe và nói: "Cưng à, em chờ ở đây 10 phút xe sẽ đến. Em cũng không cần phải vội làm gì. Em đang ở Fiji mà, hãy sống theo giờ Fiji". Người phụ nữ đang nhắc đến một thông điệp du lịch được tô đậm đây: Bạn đang ở Fiji, hãy sống theo giờ Fiji - với hàm ý nơi đây là để nghỉ ngơi thư thái. Sau hơn một năm rời Fiji, tôi vẫn còn nhớ cảm giác ấy. Tôi đờ đẫn giữa đêm khuya sau nhiều giờ trên máy bay, nhưng phải bật cười vì câu xoa dịu của người phụ nữ với nụ cười đôn hậu.
Hoặc có lần, tôi bay từ Bali, Indonesia về Kuala Lumpur trong chuyến bay bảy giờ sáng. Ở gần cửa ra máy bay đã có sẵn nhiều ghế nằm rải rác, có thể điều chỉnh độ nghiêng lưng ghế. Du khách chỉ cần kê lại theo ý thích và nằm ngủ thoải mái cho đến khi nhân viên đọc thông báo ra máy bay.
Rất nhiều tiện nghi hay chất lượng dịch vụ ở sân bay không bắt đầu từ việc nhà chức trách đã đổ bao nhiêu tiền vào cơ sở vật chất, mà bắt nguồn từ thái độ của nhân viên tại đây. Ở Tân Sơn Nhất, tại cửa ra nhà ga quốc tế, hành khách thường xuyên bị kiểm tra bất thường vé máy bay. Người không có vé sẽ không được vào trong dù đôi khi đó chỉ là ở khu vực check-in vé chứ chưa tới cửa an ninh nào. Nhiều gia đình buộc phải chia tay nhau rất sớm ngoài cửa. Trong khi đó, ở nhiều sân bay tôi đã qua, khu vực ga đi luôn để ngỏ thoải mái, để người đến và người đi có thể gặp nhau, tạm biệt, mua đồ ăn ngồi chờ, trò chuyện cùng nhau. Họ không gặp cản trở nào trong những phút giây mà tôi cho rằng luôn đặc biệt với nhiều người. Thậm chí, có nơi, ga đi còn là cả thương xá để người ta có thể mua quà tặng nhau hoặc vui chơi, nhìn một lần, nói một lời nhớ mãi.
Việc Cục Hàng không công bố bảng xếp hạng dịch vụ chất lượng 6 sân bay, dựa trên khảo sát về sự hài lòng của hành khách với tôi là hành động tích cực. Bởi là một người yêu sự dịch chuyển, tôi tin, những cư xử nhỏ, cách tổ chức và vận hành ở một sân bay có thể làm đầy thêm một chuyến đi, hoặc làm du khách cáu kỉnh rời khỏi thành phố, chẳng còn quay lại.
Khải Đơn