Ngày 17/5, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết rau má là loại thực vật thông dụng, được chế biến thành nước ép, canh giúp giải nhiệt mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, rau má là vị thuốc tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Theo các sách thuốc cổ như Bản thảo cương mục, Dược tính luận, Nam dược thần hiệu, rau má có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, giải độc. Nhiều nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy rau má có chứa glucorit, các saponin và một số chất tác dụng trấn tĩnh, an thần thông qua cơ chế tác động trực tiếp lên hệ thống thần kinh trung ương.
Loại rau này còn có tác dụng điều trị các vết ở da và niêm mạc, do các saponin chứa trong dịch chiết tác dụng kích thích quá trình sinh trưởng của tế bào da, làm tăng sinh mạng lưới huyết quản của tổ chức liên kết, giúp các mô tái tạo nhanh chóng, khiến vết thương mau lành.
Một số công dụng trị bệnh từ bài thuốc rau má, như sau:
Rau má tươi 30-100 g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc dùng máy xay sinh tố xay nát, hòa đường, tác dụng giải nhiệt, trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan, lợi tiểu.
30 g rau má giã nát đắp rốn trị táo bón.
Rau má tươi giã nát ép lấy nước uống (có thể thêm một chút đường phèn), giải ngộ độc thuốc và thực phẩm.
Rau má khô tán bột mỗi ngày uống hai thìa cà phê gạt ngang, giảm đau bụng, đau lưng kỳ kinh nguyệt
Rau má, xạ can, lá hẹ, nấu nước uống, trị ho do cảm phong nhiệt (thanh phế nhiệt). Tuy nhiên, loại thực vật này có tính lạnh nên người hư hàn không dùng thường xuyên.
Rau muống
Theo y học cổ truyền, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn, công dụng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể như nấm độc, sắn độc.
Bạn có thể luộc rau muống với một chút muối, dùng cùng các loại nước chấm (mắm, tương), giúp thanh nhiệt mùa hè. Nước rau muống luộc để nguội vắt chanh rất tốt cho thai phụ thiếu sắt.
Một nắm rau muống rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống; hoặc 100 g rau muống cắt đoạn, cám gạo tẻ 50 g, trộn vào giã nhuyễn, thêm nước cho loãng để uống, trị say, ngộ độc sắn (khoai mì).
Ngoài ra, một kinh nghiệm dân gian đã được ghi lại trong nhiều sách thuốc là giã rau muống tươi lấy nước cốt uống ngay, giúp giải ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cho hay chỉ nên dùng phương pháp này sơ cứu tức thời nhằm hạn chế độc tính, sau đó cần đưa bệnh nhân đến viện.
Do có nhiều chất xơ nên rau muống hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa, tác dụng nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón.
Bác sĩ lưu ý một loại ký sinh trùng sán lá ruột lớn có tên fasciolopsis buski - phổ biến trên rau muống - có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ăn sống hoặc nấu chưa chín kỹ. Ký sinh trùng này neo mình vào thành ruột và gây các chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng. Sau một thời gian, trứng sẽ nở thành giun sán, chui vào các cơ quan, sinh bệnh.
Do đó, trước khi ăn rau muống, nên rửa sạch từng ngọn, ngâm vào nước muối loãng, nấu chín.
Thúy Quỳnh