Những ngày cuối năm, công việc của Lê Quốc Hưng, 24 tuổi, trở nên bận rộn hơn cả. Vận động viên vừa tập luyện cho giải đấu mới vừa phải sắp xếp lịch dạy cho học viên có nhu cầu giảm cân đón tết. Nhìn Hưng trong phòng tập, gồng mình nâng tạ 100 kg trên đôi tay cơ bắp chắc nịch, không ai nghĩ anh từng là nạn nhân của nạn chế nhạo ngoại hình.
Trước khi thành vận động viên, nam sinh 18 tuổi thuộc nhóm người béo nhất nhì trường, phải đặt may đồ ngoài vì không vừa đồng phục. Nỗi mặc cảm nhiều đến mức "chỉ cần một ánh nhìn, Hưng lại nghĩ họ đang nói xấu mình".
Sự tự ti khiến đam mê hoạt động văn nghệ của Hưng phải gác lại. Chàng trai chỉ được giao vai phụ, không có điểm nhấn, chủ yếu để gây cười cho mọi người. "Lâu dần, đam mê cũng hết, kể cả rung động đầu đời cũng không có cơ hội giãi bày", Hưng kể.
Nhiều lần, Hưng tự nhủ phải bóp miệng, nhịn ăn để giảm cân song đều không thành. Đỉnh điểm là thời gian chuẩn bị thi đại học, Hưng tăng vọt lên 103 kg.
Có lần, Hưng đi đá bóng thì bị tăng huyết áp, ngất xỉu được đưa vào bệnh viện. Khi đó, Hưng mới biết mình bị gan nhiễm mỡ, men gan cao, khiến gan nóng và nổi hạch, gây sốt. Hưng nằm viện điều trị gần một tháng do suy nhược. Hưng còn phát hiện bị hở van tim ba lá 1/4, nếu không thay đổi lối sống và giảm cân sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Không ai tin chàng trai tuổi đôi mươi lại nhiều bệnh như vậy. Còn Hưng hụt hẫng khi nghĩ đến tương lai. Bác sĩ khuyên nhủ chỉ cần tập luyện giảm ăn có thể kiểm soát cân nặng, nhưng đấy cũng là vấn đề lớn nhất.
"Giảm cân không phải chuyện ngày một ngày hai, nó là cả quá trình dài đẵng đẵng không nhìn thấy điểm dừng", Hưng kể.
Xuất viện, Hưng được gia đình và bạn bè động viên "giảm vài cân cho khỏe". Tập thể hình muộn hơn mọi người, Hưng gặp khá nhiều khó khăn.
Lúc đầu Hưng nghĩ mình có thể hiểu hết về gym thông qua video trên mạng, nhưng càng tập càng nản vì cứ lặp đi lặp lại động tác cũ còn cân nặng không giảm được nhiều. Năm 2018, Hưng được một người anh hướng dẫn tập luyện chuyên nghiệp. Nhờ đó, chàng trai học được nhiều kỹ thuật chính xác, tránh chấn thương, không bị chững cân, bài tập tác động vào cơ rõ rệt hơn. Hưng tập chậm, chắc để cảm nhận cơ bắp chuyển động và cũng không nghỉ giữa chừng để cơ thể được hoạt động tối đa. Chàng trai cao 1,72 m nhanh chóng lấy lại được vóc dáng, bắt đầu tính đến con đường thi đấu chuyên nghiệp.
"Buổi tập nào càng đau, càng nhức chứng tỏ tôi đang tập đúng và phá vỡ giới hạn bản thân. Nhưng phải đau nhóm cơ mình tập, còn tập bụng mà thấy đau vai là sai rồi", Hưng chia sẻ.
Khó khăn thứ hai là chế độ ăn uống. Từ người thích ăn vặt, Hưng buộc phải thay đổi. Anh tự chuẩn bị đồ ăn và mang đồ ăn đến phòng tập hàng ngày, uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ protein, vitamin, phù hợp với mức độ hoạt động trong ngày, phù hợp chiều cao, cân nặng.
Thỉnh thoảng, cảm giác thèm ăn nhiều đến mức "nhìn người khác ăn cũng thấy ngon", nhất là những hôm tập mệt, siết cơ căng thẳng. Khi đó, Hưng uống nước lọc để kìm hãm cơn thèm ăn nhiều hơn. Mỗi khi định mua bánh ngọt hay đồ ngọt, Hưng nghĩ đến công sức tập trước đó để không ăn uống linh tinh.
Theo Hưng, dinh dưỡng chiếm đến 70% hiệu quả tạo cơ bắp săn chắc, có độ nét rõ ràng. Đặc biệt trước khi thi đấu, anh ăn từ một đến một cân rưỡi thịt gà kết hợp cơm, hoa quả để bữa ăn phong phú, đa dạng.
Hưng gặp một vài khó khăn nhỏ từ gia đình và bạn bè vì không tin tưởng vào con đường anh lựa chọn. Gia đình lo lắng Hưng bỏ bê việc học, ảnh hưởng đến tương lai còn bạn bè nhiều người mỉa mai, không tin Hưng có thể theo đuổi đến cùng.
"Mình tin thời gian sẽ trả lời, sự nỗ lực của mình sẽ được đền đáp sớm thôi", Hưng nói.
Giữa năm 2019, Hưng rách dây chằng vai do không kiểm soát được tạ, bị lật tạ. Đây là chấn thương nặng, bác sĩ khuyên anh nên dừng thi đấu. Khi đó, Hưng giành được nhiều huy chương, được nhiều người trong làng thể hình biết đến. Anh hụt hẫng nghĩ đến tương lai phía trước rồi chán nản, bỏ bê mọi việc. Từ 75 kg, Hưng tăng lên gần 100 kg, cơ bắp biến mất thay bằng lớp mỡ dày, sức khỏe báo động.
Cùng lúc đó, Hưng gặp được một thầy chuyên về xương khớp. Thầy hướng dẫn anh vừa trị liệu vừa tập luyện nhẹ nhàng để lấy lại năng lượng. Bài tập chủ yếu vào các nhóm cơ chính vùng vai, lưng nhằm tăng sức bền, phục hồi tổn thương. Anh ưu tiên những bài căng giãn vừa sức, kết hợp nhiều bài tập nhẹ và hạn chế tập cường độ cao hay nâng tạ nặng.
"Hai lần thay đổi bản thân nhờ tập thể hình, mình cảm giác như đang hồi sinh lần nữa", Hưng nhớ lại. Anh động viên bản thân quay lại tập luyện để lấy lại vóc dáng ban đầu.
Sau chấn thương, Hưng nắm thêm nhiều bài học và kỹ thuật tập. Anh thường khuyên học viên không nên tập nặng sẽ ảnh hưởng đến cơ bắp, khớp xương mà phải dành ra thời gian nghỉ ngơi để cơ bắp hồi sức.
Gần 7 năm theo nghề, Hưng giành được nhiều giải thưởng nhưng tấm huy chương bạc đầu tay trong cuộc thi thể hình tháng 12/2018 vẫn đáng nhớ nhất. Nhờ đó, gia đình và bạn bè có thêm niềm tin và ủng hộ công việc của anh. Gần đây nhất, Hưng vô địch toàn năng giải Men’s Physique, tiếp thêm cho anh động lực để ghi dấu ấn của mình ở những giải đấu lớn hơn.
Hiện tại, sức khỏe Hưng ổn định, tim, gan, huyết áp được kiểm soát tốt. Anh hy vọng có thể truyền cảm hứng và nghị lực của mình đến với nhiều người trong cuộc sống.
"Chưa bao giờ mình nghĩ gym là phép màu nhưng nó đã hai lần vực mình đứng dậy để có một Quốc Hưng khỏe mạnh như ngày hôm nay. Gym xứng đáng là bộ môn để mọi người theo đuổi và thay đổi cuộc đời", Hưng nói.
Thùy An