Nguyễn Phong Phú, 25 tuổi, gầy ốm từ nhỏ. Năm 2015, anh thấy đau đầu, sốt cao nên đã nhờ mẹ mua thuốc. Bệnh tình không giảm, cơn đau ngày càng dày khiến nửa người bị liệt nên gia đình đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để khám. Tại viện, bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh u não, nếu mổ, cơ hội sống là 50/50.
Mọi người thất thần khi nghe bác sĩ tiên lượng số phận của Phú. "Gia đình nên đưa con về nhà vì chúng tôi không thể làm gì hơn", Phú nhớ lại. "Mẹ òa khóc, còn tôi thì trống rỗng, đầu óc lơ ngơ vì sự thật phũ phàng".
Không từ bỏ, gia đình đưa Phú lên TP HCM để kiểm tra thêm một lần nữa. Chàng trai 21 tuổi, đang học trường kế toán phải dừng lại mọi việc học để điều trị. "Cái gì đến thì mình sẽ đón nhận", Phú tự nhủ. Khi đó, anh cao 1,77m nặng 55 kg.
Tháng 5/2016, Phú xạ trị đợt đầu tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, cũng là cách duy nhất để anh vượt qua bệnh tật. Xạ trị đi kèm với đau đớn, rụng tóc nhưng anh vẫn quyết tâm vì muốn được quay lại cuộc sống bình thường.
Gần hai năm với 28 mũi xạ trị, bệnh của Phú có chuyển biến tích cực. Trải qua nhiều đợt khám, chụp phim, bác sĩ cho biết khối u được khống chế và khuyên Phú nên tập luyện thể thao đơn giản để tăng cân và nâng cao sức đề kháng.
Sau đó, Phú tìm đến gym để được học các bài tập cho từng nhóm cơ. Những ngày đầu đến tập, Phú cũng rụt rè và ngại vì "không biết tập gì cũng không biết bắt đầu từ đâu". Tập gym cũng gây nản và chán vì đa số động tác đều lặp đi lặp lại. Phú không đủ kinh phí để thuê huấn luyện viên nên phải tự tìm tòi kiến thức trên mạng để bài tập thêm hiệu quả.
Gia đình cũng ra sức ngăn cản anh tập gym, bởi bác sĩ khuyên tránh tập luyện nặng. Thế nhưng, ba tháng tập luyện giúp ăn ngon, ngủ sâu giấc và đi lại không còn khó khăn nên anh vẫn quyết định duy trì tập luyện mỗi ngày.
Đầu năm 2018, Phú tình cờ gặp được một vận động viên thể hình ở TPHCM. Anh được thầy hướng dẫn và truyền kiến thức về gym. Nhờ đó, Phú mới biết thế giới của gym phong phú, đa dạng chứ không chỉ có chạy, nâng tạ, squat... Anh nung nấu ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp để truyền cảm hứng đến mọi người.
"Đây thực sự là bước ngoặt của cuộc đời giúp mình tìm được niềm vui đích thực của cuộc sống", anh nói.
"Mỗi người có quan niệm khác nhau về cái đẹp và gym cũng vậy. Chính vì thế mới có cuộc thi thể hình để phân định thắng thua", Phú nói. Do đó, anh không bao giờ ép bản thân phải tập để có chỉ số đẹp nhất hay giống với vận động viên khác.
Trước thi đấu, anh dành ba tháng để siết cơ, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng khoa học. Anh khuyên mọi người không nên tập nặng sẽ ảnh hưởng đến cơ bắp, khớp xương, dây chằng dẫn đến chấn thương. Khi luyện tập cơ bắp bạn cần dành ra thời gian nghỉ ngơi, từ 30 để 40 phút để hồi lại sức.
Anh tự lên thực đơn và chuẩn bị bữa ăn mỗi ngày. Theo anh, dinh dưỡng chiếm 80% thành công của người tập luyện. Vì vậy, anh luôn duy trì chế độ ăn sạch, đủ chất và hạn chế đồ béo, chiên rán để không bị tăng cân quá mức.
Tháng 10/2018, Phú nhận được huy chương đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu thể hình của mình. Anh mang về cho mẹ để cảm ơn sự ủng hộ của gia đình. Sau cơn bạo bệnh, Phú tự nhận mình may mắn khi được mọi người hiểu và tôn trọng đam mê. Tấm huy chương giúp anh có thêm niềm tin gắn bó với công việc này. Phú dự định vào TP HCM để phát triển sự nghiệp và tiện cho việc thăm khám định kỳ.
"Không ai muốn bị bệnh nhưng chính căn bệnh là lý do để mình thay đổi cách nghĩ và lối sống. Từ đó, mình thấm thía câu sức khỏe là vàng", Phú nói.
Thùy An