Thông tin được các nhà thầu đưa ra khi Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chiều 4/3.
Tổng nhu cầu đất đắp nền hai dự án này là gần 11 triệu m3: đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9 triệu m3, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây cần 1,75 triệu m3. Tuy nhiên, theo hai đơn vị quản lý dự án, các mỏ đất ở địa phương Bình Thuận và Đồng Nai đã cấp phép không đáp ứng nhu cầu.
Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư), hiện có hơn 3,5 triệu m3 vật liệu đắp nền đủ điều kiện cung cấp, còn thiếu hơn 5,5 triệu m3. Nếu tính cả trữ lượng của 6 mỏ đang làm thủ tục cấp phép (khoảng 4,1 triệu m3), thì vẫn còn thiếu 1,4 triệu m3.
Theo tiến độ dự kiến, tháng 10 năm nay hai dự án hoàn thiện nền đường, để hoàn thành vào năm sau. Tuy nhiên, các nhà thầu cho rằng, với thực trạng vật tư khan hiếm vật liệu như hiện nay, không thể đáp ứng khi dự án triển khai đồng loạt.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7, cho biết nhà thầu gói XL01 kiến nghị tận dụng đá đổ thải để nghiền, xay làm vật liệu đắp nền. Ông Khoát cũng đề xuất việc sử dụng nguồn vật liệu đất đắp từ tận thu đất, đá dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp.
Ngoài ra, Ban quản lý dự án 7 cũng kiến nghị UBND Bình Thuận trình HĐND tỉnh xem xét thông qua việc bổ sung các mỏ đất vào quy hoạch vật liệu xây dựng sử dụng cho dự án cao tốc Bắc - Nam.
Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND Bình Thuận chỉ đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp đơn vị quản lý dự án, các nhà thầu làm việc với từng chủ mỏ cung cấp vật liệu cho hai dự án. Các đơn vị này cần khảo sát, đánh giá lại trữ lượng, chất lượng của từng mỏ, làm cơ sở xem xét, đảm bảo nguồn vật liệu hai công trình trọng điểm.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị tỉnh và các nhà thầu chủ động lên phương án sử dụng các mỏ cung ứng vật liệu phục vụ thi công cao tốc. Ông cũng thống nhất lập tổ công tác giúp việc liên ngành, thành phần gồm các ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải và các sở ngành, địa phương của tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn.
"Rất mong trong tuần tới tổ công tác sẽ được triển khai. Nếu nguồn cung vật liệu được tháo gỡ, công trường dự án cao tốc sẽ rất sôi động", Thứ trưởng Đông nói và cho biết Bình Thuận là nơi bàn giao mặt bằng sớm, nhanh nhất so với các tỉnh khác. Đến nay tỉnh đã chi trả bồi thường cho 2.650 hồ sơ (98,7%), chỉ còn 34 hộ chưa nhận. Tổng diện tích đất sạch đã bồi thường hơn 1.202 ha (đạt 98,5%).
Cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Bình Thuận nằm trong ba dự án thành phần: Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hơn 78 km, vốn đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (hơn 100 km, gần 11.000 tỷ đồng); Phan Thiết - Dầu Giây (99 km, 12.500 tỷ đồng). Trong đó, các gói thầu đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Dầu Giây - Phan Thiết đã thi công tháng 11 năm ngoái.
Việt Quốc