Gói 1 dài 16,4 km đi qua huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Gói 4 dài 16 km đi qua TP Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ, huyện Thống Nhất, Đồng Nai.
Đây là hai trong 4 gói thầu của dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Hôm 30/9, gói thầu số 3 đã được thực hiện ngay sau lễ khởi công toàn tuyến tại Đồng Nai. Gói còn lại sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư...
Tại buổi khởi công, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Giao thông Vận tải đề nghị Ban quản lý dự án Thăng Long cùng các nhà thầu thực hiện nghiêm các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, đảm bảo dự án đúng tiến độ và chất lượng.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi tuyến đường hoàn thành, hành trình từ TP HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né được rút ngắn một nửa, còn 2-2,5 tiếng. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành.
Cùng với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây là một trong những dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam được chuyển đổi từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Trước đó, ba trong bốn gói thầu của dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng đồng loạt khởi công. Tuyến đường này đi qua tỉnh Bình Thuận, dài 100 km, quy mô 6 làn xe, mặt đường 32 m; tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.
Việt Quốc