Với ngành cao điểm nhất của thang 30, Đại học Văn hóa Hà Nội giảm nhẹ, từ 27,5 của năm ngoái xuống 27,3 năm nay. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cao nhất - 27,3, giảm nhẹ 0,2 so với năm ngoái. Trong khi đó, các chuyên ngành Quản lý nhà nước về gia đình, Tổ chức và quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số chỉ lấy 15, chênh lệch hơn 12 điểm.
Hai ngành xét điểm chuẩn thang 40 là Ngôn ngữ Anh và Du lịch - Hướng dẫn du lịch quốc tế, lần lượt lấy 35,1 và 32,4 điểm, tăng 2-3,3 điểm so với năm ngoái.
Năm nay, trường tuyển hơn 1.500 sinh viên, dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, bên cạnh xét tuyển thẳng và xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn năm ngoái dao động 15-31,75.
Tại Đại học Công đoàn, ngành Luật lấy điểm chuẩn cao nhất - 25,5, tăng hơn 2 điểm so với năm ngoái. Trong khi đó, Quan hệ lao động chỉ lấy 15,1.
Những ngành còn lại chủ yếu lấy mức 24, một số 17-19 điểm.
Đại học Công đoàn tuyển 1.800 sinh viên, giữ hai phương thức tuyển sinh gồm tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phương thức thứ hai chiếm gần như 100% chỉ tiêu.
Điểm chuẩn 2020 của trường dao động 14,5-23,25. Ngành Luật có điểm trúng tuyển cao nhất, sau đó là Kế toán 22,85.
>>Xem điểm chuẩn các trường khác
Thanh Hằng