Khi Benjamin Franklin, một trong những nhà lập quốc của Mỹ và là đại sứ Mỹ tại Pháp, lên đường từ Pháp về nước năm 1785, ông mang theo món quà tạm biệt từ Vua Louis XVI: chiếc hộp bằng vàng hình bầu dục chứa chân dung thu nhỏ của nhà vua, xung quanh là 408 viên kim cương.
![Tổng thống thứ tám của nước Mỹ Martin Van Buren. Ảnh: Miller Center.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/18/sp-vanburen-533x300-6155-1597750313.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EOAzdxJjEGCKNLJcqChUuQ)
Tổng thống thứ tám của nước Mỹ Martin Van Buren. Ảnh: Miller Center.
Chiếc hộp xa xỉ đẩy Franklin vào tình thế khó xử. Quà tạm biệt dành cho các nhà ngoại giao là thông lệ ở Pháp, nhưng Mỹ cấm việc này. Lo ngại các nước châu Âu giàu có mua chuộc quan chức Mỹ để gây ảnh hưởng, Washington áp dụng quy tắc nghiêm ngặt: quan chức Mỹ không được nhận quà tặng và có thu nhập thứ hai từ chính phủ nước ngoài. Để không vi phạm quy tắc, Franklin gợi ý nộp chiếc hộp cho quốc hội Mỹ, nhưng quốc hội cho phép ông giữ nó.
Lệnh cấm này đã được quy định trong Các điều khoản Hợp bang, tài liệu được coi là hiến pháp đầu tiên của Mỹ, được phê chuẩn vào tháng 3/1781.
Khi soạn thảo Hiến pháp Mỹ để thay thế tài liệu nói trên, các đại biểu của Hội nghị Hiến pháp năm 1787 quyết định tiếp tục đưa lệnh cấm vào tài liệu mới, sau khi thượng nghị sĩ Charles Pinckney của bang Nam Carolina nhấn mạnh cần có biện pháp ngăn các ngoại trưởng và quan chức ngoại giao khác chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.
Vì vậy, điều một của Hiến pháp Mỹ cấm quan chức, lãnh đạo nhận quà, tiền, chức vụ và chức danh từ Vua, Hoàng tử hay bất kỳ quốc gia nước ngoài nào mà không có sự đồng ý của quốc hội.
Tại Hội nghị Hiến pháp năm 1788 để phê chuẩn Hiến pháp Mỹ, nhà lập pháp Edmund Randolph nhắc đến những cám dỗ từ nước ngoài và tình thế tiến thoái lưỡng nan của Franklin làm căn cứ để vạch ra điều khoản này.
"Vua của nước đồng minh tặng cho đại sứ nước ta một chiếc hộp", ông nói. "Cần phải loại trừ tham nhũng và ảnh hưởng từ nước ngoài, cấm bất kỳ quan chức đương nhiệm nào nhận hoặc có bất kỳ thù lao nào từ nước ngoài", Randolph nói, nhấn mạnh Tổng thống nhận quà hay tiền từ thế lực nước ngoài sẽ bị xem xét bãi nhiệm.
Do điều khoản này, các tổng thống Mỹ bao gồm Andrew Jackson và Abraham Lincoln đã phải xin ý kiến quốc hội khi các chính phủ nước ngoài tặng quà cho họ. Quốc hội Mỹ đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Jackson là được giữ huy chương vàng từ Tổng thống Colombia Simón Bolívar vào năm 1830.
Tổng thống Lincoln đã thông báo cho quốc hội sau khi vua Xiêm La Mongkut tặng ông một thanh gươm, hai chiếc ngà voi cùng các bức ảnh của nhà vua và công chúa. Năm 1862, quốc hội Mỹ yêu cầu Lincoln bàn giao số quà tặng này cho Bộ Nội vụ.
![Một con sư tử Barbary (loài ở Bắc Phi) trong vườn thú ở New York đầu những năm 1900. Ảnh: Ph. DR.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/18/81045-865d47c004099c30eb2fa679-4169-9821-1597750313.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OVVFHM5XeqjnI2lX6aLuuw)
Một con sư tử Barbary (loài ở Bắc Phi) trong vườn thú ở New York đầu những năm 1900. Ảnh: Yabiladi
Martin Van Buren, tổng thống thứ tám của Mỹ, lâm vào tình huống khó xử "lớn và sống động" nhất những năm 1800. Mùa hè năm 1839, Vua Morocco điều một phái đoàn đến lãnh sự quán Mỹ ở Tangier để trao món quà đặc biệt: một cặp sư tử.
Tổng lãnh sự Thomas N. Carr cố gắng từ chối nhận hai con sư tử, giải thích rằng luật Mỹ cấm ông và Tổng thống nhận quà. Nhưng sứ giả của Vua Morocco không chấp nhận câu trả lời đó.
"Tôi sẽ bị chém đầu nếu ông không nhận chúng", sứ giả nói và nhấn mạnh rằng kể cả trong trường hợp Carr từ chối, ông vẫn sẽ để hai con sư tử ở ngoài đường, phía trước lãnh sự quán. Carr đành phải đưa hai con sư tử vào một căn phòng trong lãnh sự quán và viết thư về Mỹ xin chỉ đạo.
Đúng lúc đó, Tổng thống Van Buren tiếp tục nhận được số quà lớn được quốc vương của Oman Seyyid Said gửi tới trên con tàu Sultanee cập cảng thành phố New York, gồm hai con ngựa Arab, một tấm thảm Ba Tư, vài chiếc khăn choàng cashmere, ngọc trai và một thanh kiếm.
Van Buren viết thư cho Quốc vương Oman giải thích rằng luật Mỹ cấm ông nhận quà từ nước ngoài. Tuy nhiên, thuyền trưởng tàu Sultanee không đồng ý chuyển lại quà về Oman, khăng khăng rằng dù Tổng thống không nhận với tư cách cá nhân thì những món quà cũng nên được chuyển cho chính phủ Mỹ.
Van Buren sau đó xin ý kiến quốc hội. Các nghị sĩ cho phép Van Buren nhận và bán những món quà từ cả hai quốc vương. Cặp sư tử, được vận chuyển từ Morocco đến Pennsylvania, được bán đấu giá tại Xưởng đóng tàu hải quân Philadelphia vào tháng 8/1840 với giá 375 USD (tương đương 11.000 USD theo thời giá ngày nay). Những viên ngọc trai của Quốc vương Oman không được bán mà được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian.
Ngày nay, luật liên bang Mỹ cấm các nhân viên chính phủ, bao gồm tổng thống, nhận quà trị giá hơn 390 USD từ nước ngoài, nhưng lãnh đạo các nước thường tặng quà có giá trị cao hơn rất nhiều. Năm 2014, Quốc vương Arab Saudi Abdullah bin Abdulaziz đã tặng 6 món quà trị giá 1,3 triệu USD, bao gồm đồng hồ, kim cương, ngọc trai, cho gia đình Tổng thống Obama.
Gia đình Obama không được giữ bộ trang sức này, trừ khi họ tự bỏ tiền túi để mua lại chúng theo giá thị trường. Hồ sơ của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy ông Obama đã không làm vậy.
Năm 2012, Hillary Clinton, khi đó giữ chức ngoại trưởng, đã mua lại chiếc vòng cổ ngọc trai màu đen giá gần 1.000 USD, được tặng bởi Aung San Suu Kyi, hiện là cố vấn quốc gia kiêm ngoại trưởng Myanmar.
Nếu quà tặng không được mua, chúng được coi là tài sản của nhà nước và rất nhiều món quà được đưa vào bộ sưu tập trong bảo tàng và thư viện của tổng thống.
Phương Vũ (Theo Washington Post)