Bạn muốn đưa ra quyết định tài chính tốt hơn nhưng luôn cảm thấy bản thân đang mắc kẹt trong lối mòn. Đây là thực trạng chung của nhiều người, theo Charles Chaffin - nhà đồng sáng lập Viện Tâm lý tài chính và giáo sư tại Đại học bang Iowa (Mỹ).
"Chúng ta vốn lười biếng và không muốn tạo ra những thay đổi lớn. Đó là cách bộ não của con người được liên kết từ 100.000 năm trước", chuyên gia nói.
Điều đó có nghĩa là bạn có khả năng tiếp tục chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư theo cách trước giờ luôn như thế, dù chúng không hiệu quả. Để xóa dần các thói quen xấu và quản lý tiền bạc tốt hơn, Charles Chaffin gợi ý hai việc cần làm như sau.
Làm khó việc tiêu tiền, tạo điều kiện cho tiết kiệm
Bạn cần tiết kiệm để xây dựng quỹ khẩn cấp hay tính đến các kế hoạch dài hơi hơn như mua nhà hoặc nghỉ hưu, hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc này. Cách đơn giản là cài đặt lệnh chuyển tiền tự động mỗi khi nhận lương vào tài khoản tiết kiệm.
Tự động hóa giúp loại bỏ mọi đắn đo và cám dỗ. Nếu tính toán được con số chuẩn cho việc tiết kiệm mỗi tháng, lệnh chuyển tiền tự động vào tài khoản tích lũy sẽ diễn ra âm thầm, tránh trường hợp bạn phải phân vân xem tháng này nên tiết kiệm bao nhiêu, rồi dẫn đến việc không đạt mục tiêu đề ra.
Ngược lại, với các dòng tiền ra để chi tiêu, bạn thử tìm nhiều cách để khiến việc này trở nên khó khăn hơn. Chuyên gia khuyên đặt ra rào cản chi tiền. Ví dụ với mua sắm trực tuyến, đừng để các ứng dụng hay sàn thương mại điện tử liên kết và lưu trữ thẻ ngân hàng của bạn. Vì như thế, mỗi lần chi tiêu, bạn chỉ cần nhấn vài thao tác sẽ thanh toán và hoàn tất đơn hàng ngay.
"Nếu quá dễ dàng để thanh toán đơn hàng, chúng ta sẽ có xu hướng chi tiêu quá mức", Charles Chaffin nói.
Nếu mẹo trên vẫn chưa hiệu quả, bạn thậm chí có thể xem xét chuyển sang chi tiêu hoàn toàn bằng tiền mặt. Theo chuyên gia, tiền mặt là hữu hình. Vì vậy, mọi người sẽ cảm thấy như họ đang thực sự tiêu tiền, trong khi nếu thao tác trên điện thoại sẽ không giống như một giao dịch thực sự.
Đặt mục tiêu cụ thể
Cho dù nghiêm túc đến mức nào về việc tiết kiệm nhiều hơn hoặc chi tiêu ít hơn, không có thói quen nào sẽ tồn tại bền vững trừ khi bạn rõ ràng về những gì bản thân hy vọng đạt được. "Không có mục tiêu, tất cả những nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa", ông nói.
Mục tiêu càng cụ thể, bạn càng có nhiều khả năng tuân thủ các thói quen tài chính tốt hơn. Nếu bạn chỉ đặt mục tiêu tiết kiệm, khả năng vỡ kế hoạch là rất cao. Tiến thêm một bước, bạn hy vọng tiết kiệm 50 triệu đồng, tỷ lệ hoàn thành sẽ tăng lên nhưng vẫn có khả năng bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, nếu đặt mục tiêu tiết kiệm 50 triệu đồng để đưa cả nhà đi du lịch vào cuối năm nay, bạn sẽ có thêm nhiều động lực để hoàn thành hơn hẳn.
"Hãy nhớ rằng bạn không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi thói quen tài chính không hiệu quả nếu bản thân không sẵn sàng đối mặt với chúng", Charles Chaffin khuyên thêm.
Theo chuyên gia này, bạn nên kiểm tra tài chính của mình thường xuyên để biết rõ điểm nào đang thành công và cần khắc phục ở đâu. Bạn càng tránh tính toán về tiền bạc, mọi thứ sẽ càng tồi tệ hơn.
"Những người ít quản lý tài chính có xu hướng gặp vấn đề lớn hơn. Càng theo dõi và tập trung quản lý, bạn có nhiều khả năng thay đổi hành vi của mình để phù hợp với mục tiêu đưa ra", ông kết luận.
Tiểu Gu (theo CNBC)