Nghị quyết này phản đối các chiến thuật bạo lực trấn áp biểu tình, lên án việc quân đội Myanmar bắt giam các lãnh đạo dân sự, yêu cầu trả tự do cho tất cả những người bị bắt và để các nghị sĩ được bầu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ.
Nghị quyết được thông qua hôm 19/3 với 398 phiếu thuận và 14 phiếu chống. Tất cả các phiếu chống đều là của các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Các nghị sĩ này đều không nêu lý do phản đối nghị quyết lên án đảo chính Myanmar.
Hạ viện Mỹ hôm 18/3 cũng thông qua một dự luật liên quan đến Myanmar, yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp báo cáo cho quốc hội về các sự kiện ở quốc gia này, cũng như phản ứng của Mỹ. Dự luật này cần được Thượng viện thông qua để trở thành luật.
Làn sóng biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar vẫn sôi sục trên khắp các thành phố, thị trấn ở Myanmar, sau khi quân đội nắm quyền bằng cuộc đảo chính hôm 1/2. Quân đội Myanmar cáo buộc đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 nhờ gian lận.
Người biểu tình yêu cầu quân đội trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự, đồng thời trả tự do cho bà Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo khác. Nhiều nhóm dân tộc thiểu số của Myanmar, từ lâu đã xung đột với quân đội, cũng yêu cầu bãi bỏ hiến pháp năm 2008 do chính quyền quân sự soạn thảo và thiết lập nền dân chủ.
Hầu hết nhà lập pháp ở Đồi Capitol trước đó đã thẳng thắn lên án cuộc đảo chính quân sự và các biện pháp mạnh tay mà quân đội sử dụng để trấn áp biểu tình.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, tổng cộng 237 người đã bị bắn chết và hơn 2.000 người bị bắt giam kể từ sau đảo chính.
Thanh Tâm (Theo CNN)