Động thái diễn ra sau khi 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tháng trước đồng ý nhắm mục tiêu trừng phạt vào quân đội Myanmar và các lợi ích kinh tế của họ. Một nhà ngoại giao cho biết 11 cá nhân bị đưa vào danh sách đen đóng băng tài sản và cấm thị thực là sĩ quan quân đội và cảnh sát.
Đợt trừng phạt đầu tiên không nhắm vào các doanh nghiệp liên quan quân đội, nhưng theo các nhà ngoại giao, một số doanh nghiệp có thể bị trừng phạt trong những tuần tới.
Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội đảo chính hôm 1/2, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính quyền dân sự. Hàng trăm nghìn người Myanmar đã biểu tình kể từ đó để phản đối đảo chính, yêu cầu thả bà Suu Kyi cùng các quan chức và kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả bầu cử tháng 11.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, hơn 220 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và hơn 2.000 người bị bắt giam.
Quân đội Myanmar đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng. Mỹ và Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quan chức chính quyền quân sự.
Quân đội Myanmar có lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế của đất nước, từ khai thác mỏ, ngân hàng đến dầu khí và du lịch. EU trước đó đã ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar và đưa 14 quan chức quân đội, biên phòng hàng đầu vào danh sách đen vì vấn đề người Hồi giáo thiểu số Rohingya.
Huyền Lê (Theo AFP)