Thứ hai, 25/11/2024
Thứ ba, 19/7/2022, 16:37 (GMT+7)

Hà Nội trong tranh của họa sĩ Sài Gòn

Hồ Gươm, nhà thờ Cửa Bắc, những ngôi nhà cổ... hiện lên sống động qua nét vẽ của họa sĩ Phong Hoàng.

Các bức vẽ phong cảnh màu nước của Phong Hoàng được chia sẻ ở các nhóm yêu tranh trên mạng xã hội. Nhiều người bình luận tác phẩm của anh mang đến cảm xúc bình yên, gợi nhớ về Hà Nội thời xưa cũ.

Trong tranh là một góc Hồ Hoàn Kiếm - hướng nhìn thẳng ra tháp rùa. Họa sĩ nói: "Khi ở Hà Nội, mỗi sáng sớm hay chiều tối, trời nóng cũng như rét, tôi đều dạo quanh bờ hồ. Nhờ đó mà tôi ngắm nhìn được biết bao cung bậc đời sống. Nó như một bản nhạc, hết sức rõ rệt nếu ra chịu khó lắng nghe".

Ngôi nhà cổ và những hàng quán ở phố Đinh Liệt. Phong Hoàng sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội vào cuối năm 2017. Từ đó, anh yêu từng góc phố, con đường, đời sống sinh hoạt gần gũi. "Hà Nội có bốn mùa, tôi đều đặn ra để cảm nhận sự thay đổi của tiết trời, ngắm loài hoa đặc trưng... Yêu lắm, nên tôi xin phép dùng cái nhìn của một người miền Nam để vẽ lại, lưu giữ chút tình với phố", họa sĩ nói.

Khung cảnh hàng bún ở góc phố Hàng Buồm - Tạ Hiện buổi sáng ngày đông. "Tôi thích cái không khí những sớm ngày đông khi trời se lạnh, ngồi mấy hàng ăn ven đường, mọi người chen chúc như mượn hơi ấm từ nhau. Bát bún khói nghi ngút được mang ra, lấy tay áp vào cho đỡ lạnh, hít hà... ", họa sĩ nói.

Góc phố Nhà Thờ - Lý Quốc Sư trước cửa Nhà thờ Lớn. Họa sĩ cho biết các tác phẩm được thực hiện tại Sài Gòn, thông qua cảm xúc và tư liệu từ những lần dạo chơi phố phường Hà Nội. Trung bình, anh mất khoảng một đến hai tuần hoàn thành một bức.

Phố hàng Bồ với những cành đào đỏ rực, quán phở Bắc Hải và cửa hiệu bánh ngọt Bùi Công Trung nổi tiếng. "Mỗi bức tranh đều có kỷ niệm với tôi. Đó không chỉ là vẽ, mà còn là cả một câu chuyện. Tôi muốn mọi người xem và gợi nhớ được câu chuyện của chính mình. Khi đăng lên mạng xã hội, tôi được đọc, nghe thêm nhiều kỷ niệm từ mọi người", họa sĩ nói.

Ngôi nhà cổ ở phố Chân Cầm và quán nước chè phía trước được họa sĩ vẽ năm 2018. Khán giả Nguyễn Tuyết Hồng bình luận: "Mỗi lần đến đây uống ly nước chè nóng vào sáng sớm mùa đông, tôi hay ngồi ngắm nghía ngôi nhà, một vẻ đẹp cổ kính, khó tả".

Tác phẩm ghi lại trải nghiệm đi lấy ráy tai ở Hà Nội của họa sĩ. Phong Hoàng cũng thử nghiệm phối bốn tầng màu lam - vàng - lục - đỏ riêng biệt trong một nền tranh.

Nhà thờ Lớn được vẽ năm 2019. Tác giả bỏ những hàng rào chắn, sử dụng gam màu trầm, gợi nhớ khung cảnh những năm 1980-1990.

Góc phố Châu Long. Tranh đã bán cho một nhà sưu tập năm 2019, từng được sử dụng làm bìa cho cuốn "Chuyện cũ Hà Nội" của Tô Hoài.

Phố Phùng Hưng giao Hàng Mã. Họa sĩ cho biết quan sát màu của nắng, sau đó sử dụng nguyên lý sáng tối để khắc họa. "Kỹ thuật thì không có gì cao siêu nhưng quan trọng mỗi người nhìn ra được chuyển biến màu của nắng theo mỹ cảm cá nhân", Phong Hoàng nói.

Chợ hàng Bè, ngõ Cầu Gỗ được họa sĩ vẽ năm 2021.

Hiện Phong Hoàng vẫn sáng tác về Hà Nội và dự định tổ chức triển lãm. "Các nhà sưu tập sẵn sàng cho mượn lại tranh nếu tôi tổ chức. Tuy nhiên, tôi cần thêm thời gian để vẽ những khoảnh khắc mình tâm đắc. Khi cầm cọ cần phải đủ xúc cảm mới lồng ghép được tình yêu vào trong từng căn nhà hay góc phố chứ không đơn thuần vẽ cho xong", anh nói.

Nhà thờ Cửa Bắc những ngày cuối năm 2020 với cơn mưa phùn lạnh và xe đạp chở cúc họa mi trên đường. Họa sĩ cho biết các tác phẩm đã bán cho nhà sưu tập.

Họa sĩ Phong Hoàng sinh năm 1987 tại TP HCM, gắn bó với hội họa từ năm 2008. Anh là hội viên của Hội Mỹ thuật TP HCM, thành viên của Hiệp hội Màu nước Quốc tế (IWS).

Hiểu Nhân