Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 28/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá, thành phố đã thực hiện được "mục tiêu kép". Theo đó, Hà Nội đã đẩy lùi, kiểm soát được dịch bệnh trong cả 3 đợt. Đồng thời, chính quyền thành phố có giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích sản xuất, tiêu dùng.
Năm 2020, ông Chu Ngọc Anh thông tin, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 3,98%. Kết quả này được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ quý IV tăng trưởng 5,77%. Quy mô kinh tế đạt 44 tỷ USD, là "nỗ lực rất lớn của thành phố".
Thu ngân sách của Hà Nội ước đạt hơn 280.000 tỷ đồng, vượt dự toán 3,9%. "Hết quý III, chúng tôi dự kiến hụt thu 57.000-58.000 tỷ, nhưng cuối cùng đã đạt và vượt so với năm tốt nhất về thu ngân sách là 2019", ông nói. Giải ngân đầu tư công cũng đạt trên 93%, tương đương mức 45.000 tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển tăng lên, chiếm 49%, chi thường xuyên còn 51%.
Ngoài ra, Hà Nội đã tổ chức thành công hội nghị thu hút đầu tư, triển khai ngay sau đợt dịch đầu tiên được kiểm soát. Theo đó, thành phố đã trao quyết định đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn lên đến 17,6 tỷ USD.
"Tổng số dự án và vốn được trao năm nay cao gấp 5 và 11 lần so với năm 2016", Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh. Thành phố cũng ký 39 biên bản ghi nhớ với các đối tác, tổng mức đầu tư lên đến 28,6 tỷ USD. Tính chung năm 2020, ông Ngọc Anh cho biết lượng FDI vào Hà Nội là 4 tỷ USD trong tổng số 26,5 tỷ USD của cả nước.
TP HCM cũng có những điểm sáng tương tự Hà Nội cả về chống dịch và phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, địa phương vừa qua không xuất hiện lây nhiễm Covid-19 trong 27 ngày. "Với làn sóng dịch thứ 3 hôm 28/11, thành phố đã khống chế chỉ sau 3 ngày", ông nói.
Về kinh tế, thành phố đã có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước tình trạng phá sản, các đối tượng gặp khó khăn, an sinh xã hội với số tiền hơn 600 tỷ đồng. TP HCM cũng gia hạn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp, 200 tỷ đồng cho VAT, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất cho hộ kinh doanh...
"GRDP của TP HCM năm 2020 tăng 1,39%", ông Phong nói và cho biết xuất khẩu của địa phương đạt hơn 44 tỷ USD, thu hút đầu tư FDI đạt 4 tỷ USD, hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu du lịch hơn 84.000 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 86,7% so với dự toán.
"Tính chung giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng thu nội địa trong thu ngân sách tăng từ 62,1 lên 67,6%, chứng tỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành phố hiệu quả", ông Phong nói.
Bên cạnh đó, Hà Nội và TP HCM cũng đề xuất với Chính phủ một số vấn đề. Trong đó, Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về bất cập trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đó là dự án cho 2 kỳ kế hoạch đầu tư liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị, tổng mức đầu tư của chương trình được thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn sau không vượt quá 20% giai đoạn trước.
Ngoài ra, Hà Nội còn kiến nghị về bố trí vốn, thẩm định dự toán cho Quy hoạch thành phố 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn 2045; kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn.
Với TP HCM, theo ông Nguyễn Thành Phong, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2021, thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố trước 1/1/2021.
Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai hiệu quả thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TP HCM cũng muốn sớm có hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Điều này giúp thành phố kịp triển khai, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty trên địa bàn, từ đó có thêm nguồn lực đầu tư phát triển.
Đức Minh