Trong nhận định mới đây về năm 2020 và kỳ vọng cho 2021, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, đà hồi phục của năm sau nhờ vào phục hồi của tiêu dùng trong nước, tăng trưởng thương mại ổn định và dòng vốn FDI.
Các hiệp định thương mại đã kết thúc đàm phán, được ký hay đã có hiệu lực như UKVFTA, EVFTA hay RCEP sẽ tiếp tục là tiền đề vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực xuất khẩu, đẩy mạnh thặng dư thương mại. Trong khi đó, với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và khả năng đẩy lùi dịch bệnh, không khó để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư sáng giá trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử - công nghệ.
Trước đó, hồi tháng 10, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu HSBC đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2020, từ đó tạo đà phát triển để đạt mức 8,1% trong năm 2021.
Tuy tốc độ tăng trưởng của năm nay có thể nói là thấp nhất trong nhiều năm, Khối Nghiên cứu Kinh tế HSBC cho rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất tại ASEAN có tăng trưởng dương năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2020 là 2,4% và nhận định Việt Nam là một trong bốn nền kinh tế thế giới có chỉ số GDP bình quân đầu người tăng trưởng, bên cạnh Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc.
Mặc dù là ngôi sao sáng về tăng trưởng, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chỉ ra 4 rủi ro cho Việt Nam nếu không kịp thời hành động và nắm bắt thời cơ.
Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bởi cổ phần hóa chậm rất có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng trong tương lai. Hiện tại, các công ty nhà nước vẫn chi phối một phần ba nền kinh tế nên việc cổ phần hóa sẽ giúp xác định lại việc phân bổ vốn đầu tư, giải phóng năng suất lao động và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, theo World Bank, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm GDP của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Điều này tạo ra những thách thức đối với sự phát triển liên tục của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Thứ ba, cần tiếp tục cải thiện được các thủ tục thuế quan và hành chính, vốn đang là yếu tố cản trở sự phát triển của khu vực thu hút FDI. Theo số liệu của World Bank, các doanh nghiệp Việt Nam phải tiến hành 6 lần thanh toán thuế một năm, tiêu tốn 384 giờ cho việc hoàn thành các mẫu biểu, chuẩn bị và trả thuế, và mức thuế phải trả chiếm tới 37,6% lợi nhuận.
Cuối cùng là tăng trưởng bền vững. Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới – với mức tăng khoảng 5% mỗi năm. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.
"Nhu cầu cấp thiết là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Điều tích cực là Chính phủ đã nhận thức tầm quan trọng của vấn đề và đang nỗ lực giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả", ông Tim Evans nói đã nhìn thấy sự cởi mở của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tìm con đường phát triển bền vững.
Về bức tranh tỷ giá năm sau, người đứng đầu HSBC Việt Nam cho rằng có cơ sở để kỳ vọng tiếp tục được điều hành theo cơ chế linh hoạt. Với việc dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có đủ công cụ và nguồn lực để điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đáp ứng cung - cầu thị trường.
"Vẫn có những thách thức cần quan sát và theo dõi như lộ trình phân phối vaccine cho Covid-19, đà hồi phục của chuỗi cung ứng toàn cầu, quá trình chuyển giao bầu cử Tổng thống Mỹ...", ông Tim Evans lưu ý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ giá biến động khó lường, các doanh nghiệp, nhất là có yếu tố xuất nhập khẩu, có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro,... để đảm bảo sự chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.
Viễn Thông