Buổi họp trực tuyến được Chính phủ thực hiện với 63 tỉnh thành trong sáng nay (27/6) để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và kế hoạch 2 quý còn lại. Đánh giá về mức tăng GDP cả nước sau 6 tháng đạt 4,9%, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - Nguyễn Thế Thảo cho rằng đây là kết quả hợp lý, khi lạm phát kiềm chế ở mức thấp, ổn định là 2,4%. Để tăng sức mua, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kích cầu đầu tư, đại diện Hà Nội cho biết cần nới lỏng tín dụng một chút.
Ông Thảo cho biết, Chính phủ giao Hà Nội thu ngân sách 162.000 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ thu được 63.000 tỷ đồng. Vì thế, kế hoạch cuối năm thu 99.000 tỷ đồng là hết sức khó khăn. Ông kiến nghị, cần có biện pháp để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn theo lộ trình giảm lãi suất. Song song là tăng sức mua, tăng tổng cầu, Chính phủ cần có chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư công.
Chia sẻ với Hà Nội, Chủ tịch UBND TP HCM - Lê Hoàng Quân cho biết, với mức tổng thu chiếm tới 35% cả nước, kế hoạch thu ngân sách lên tới trên 280.000 tỷ của thành phố là rất khó khăn. Riêng về chỉ số GDP, thành phố đạt mức tăng trưởng 7,9%, thấp hơn 0,2% so với cùng kỳ.
Theo ông Quân, từ đầu năm đến nay, thành phố đã giải quyết được trên 2.100 căn hộ, giảm 14% căn hộ tồn kho. Trong thời gian tới , địa phương tiếp tục giảm thấp hàng hóa bất động sản, chuyển một số căn hộ thương mại sang nhà xã hội. "Hiện nay chúng tôi đang nắm lại nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và nếu chính sách cho vay với lãi suất 6% được kéo dài từ 10 đến 15 năm sẽ giải quyết được nhu cầu của các đối tượng này", lãnh đạo thành phố cũng cho biết đã chỉ đạo giải quyết thêm 3.000 căn hộ nữa từ nay đến hết 2013.
Cũng theo ông Quân, các ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay 115.000 tỷ đồng để xuất khẩu nông lâm thủy sản, đồng thời cơ cấu lại các khoản vay. Tuy nhiên, hiện các nhà băng vẫn đang dư khá nhiều tiền, vì vậy, giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh là mục tiêu ưu tiên. Để đảm bảo thu chi từ nay tới cuối năm, ông Quân đề nghị Chính phủ nghiên cứu các lãi suất cho vay hợp lý hơn, bơm vốn cho doanh nghiệp để nền kinh tế phục hồi hiệu quả.
Đề cập tới kim ngạch xuất khẩu, lãnh đạo TP HCM cho hay, 37,5 tỷ USD đến từ doanh nghiệp FDI, chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch thành phố. “Số xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tưởng chừng vĩ đại lắm nhưng thành phố đang kiểm tra lại năng lực thực tế, năng suất tổng hợp của FDI cao hay chủ yếu là gia công”, ông nói.
Trước đó, theo báo cảo được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh trình bày, cơ quan này nhận định lạm phát 6 tháng đã được kiềm chế, chỉ số CPI sau 7 tháng tăng liên tiếp đã có xu hướng giảm hoặc tăng không đáng kể từ tháng 3/2013. Mức tăng 2,4% sau 6 tháng cũng là thấp nhất trong 10 năm qua.
Kết quả này một phần do mặt bằng giá thể giới giảm, tổng cầu trong nước thấp, sản xuất chậm, giá lương thực thực phẩm cũng giảm… "Lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong 2013 và hoàn toàn có khả năng kiềm chế thấp hơn so với 2012", người đứng đầu ngành kế hoạch nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, việc triển khai Nghị quyết 01, 02 tại một số nơi còn chậm làm giảm hiệu quả của chính sách. Mức tăng trưởng GDP quý 2 tăng 5%, cao hơn mức tăng của quý 1 và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%. Tốc độ tăng GDP theo đánh giá là không như mong đợi, nhưng là “mức tăng hợp lý” do phải tập trung mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Phân tích thêm về các con số này, ông Vinh dẫn Nghị quyết của Quốc hội cho phép tăng CPI năm 2013 là 8%, Nghị quyết Chính phủ đưa ra thấp hơn 2012 tức 6,8%. “Mức tăng CPI 7-8% cũng là mức đẹp. Theo nghiên cứu của Bộ KH&ĐT mỗi nước có ngưỡng lạm phát khác nhau, Nhật 1%, Việt Nam 7% cũng chấp nhận được. Chúng ta không quá nén lạm phát, ép vĩ mô xuống 5%”, ông Vinh nói.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực có doanh nghiệp thành lập mới giảm như xây dựng 6%, tài chính ngân hàng giảm 6,5%, đặc biệt xí nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản giảm mạnh. Theo ông Vinh đây là con số “rất đáng suy nghĩ”.
Báo cáo kiểm điểm điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết, 6 tháng đầu năm Chính phủ ban hành hơn 11.500 văn bản điều hành trên mọi lĩnh vực tăng 12% so cùng kỳ. “Một số cán bộ còn vô cảm, nhũng nhiễu. Hiệu quả hoạt động còn hạn chế, cơ chế chính sách mới như tái cơ cấu kinh tế triển khai còn chậm, điều hành nặng về giải pháp tình thể chưa có tính chiến lược dài hạn”, ông Đam báo cáo.
Nguyễn Hưng