Xác định 2014 là năm có vị trí quan trọng trong thực hiện kế hoạch 5 năm, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6%, kiềm chế lạm phát ở 7%.
Nếu căn cứ vào con số thực hiện và kế hoạch, mức tăng trưởng GDP 6% được cho là cao nhất kể từ năm 2011 (năm 2011 tăng trưởng GDP đạt 5,89%, năm 2012 tăng 5,03% và năm 2013 Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5%).
Tuy nhiên, theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2015 được Quốc hội thông qua, mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn này là 6,5 - 7%. Trong hai năm đầu tiên 2011 và 2012, nền kinh tế chỉ tăng trưởng dưới 6%, năm nay cũng dự báo sẽ khó đạt mục tiêu 5,5%. Do vậy, các chuyên gia cho rằng nếu không có giải pháp đột phá, đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm sẽ là thách thức lớn.
Về thị trường tài chính - tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ổn định giá trị tiền đồng và đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, làm lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, giảm dần tỷ lệ nợ xấu.
Đồng thời, đẩy mạnh kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng, triển khai hiệu quả công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và thực hiện tốt đề án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường quản lý thị trường, giá cả...
Liên quan tới huy động vào ngân sách Nhà nước năm 2014, Chỉ thị đặt mục tiêu huy động từ thuế và phí đạt khoảng 18 - 19% GDP, dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) phấn đấu tăng bình quân khoảng 12 - 13% so với ước thực hiện năm 2013. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân khoảng 8-9%.
Về chi thường xuyên, Thủ tướng yêu cầu triệt để tiếp kiệm. Trong vấn đề tiền lương, đảm bảo nguồn thu để thực hiện mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng mỗi tháng.
Trong tháng 9, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Huyền Thư