Lúc 13h, các trạm quan trắc đều ghi nhận mức nhiệt trên 37 - nắng nóng gay gắt. Cao nhất là Láng 39; Hà Đông 38,5; Hoài Đức, Sơn Tây 38; Ba Vì xấp xỉ 38.
Đến 15-16h, nền nhiệt tăng thêm một độ, trạm Láng, Hoài Đức, Hà Đông xấp xỉ 40, cao hơn chiều qua khoảng một độ. Đây là mức nhiệt đo trong lều khí tượng cao nhất từ đầu tháng 6 và nhiều khả năng cao nhất trong đợt nắng nóng này. Nhiệt độ thực tế ngoài trời thường cao hơn khoảng 3-5 độ, tùy khu vực.
Đến 17h, Hà Nội vẫn nắng chói chang, lưu lượng phương tiện không cao dù là giờ cao điểm. Số ít người đi đường đều mặc áo chống nắng, đeo kính râm. Nhiều người đến công viên, nơi có hồ nước, cây xanh tránh nắng.
Bán hàng rong trên đường Phạm Hùng, chị Nguyễn Thị Hoan cho biết nắng gắt nên ngại di chuyển và cũng không có khách. "Trời như đổ lửa, lại lặng gió, tôi trú tạm gốc cây vỉa hè mà hơi nóng từ mặt đường phả lên bỏng rát", chị Hoan nói.
Hàng loạt tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình hôm nay cũng nóng 39 độ C. Cao nhất miền Bắc là Hòa Bình, ba trạm quan trắc Kim Bôi, Chi Nê, Lạc Sơn đều trên 40 độ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do tác động của hoàn lưu vùng thấp nóng, từ ngày 1/6 Hà Nội và miền Bắc bắt đầu đợt nắng nóng, dự báo kéo dài đến cuối tuần. Nhiệt độ cao nhất ngày ở Hà Nội lên 36-39 độ C.
Đây sẽ là đợt nắng nóng dài nhất kể từ năm 1993. Tuy nhiên, nếu so về mức nhiệt, ngày 21-22/5, trạm Hà Đông đã xấp xỉ 41 độ - cao nhất trong chuỗi số liệu tháng 5 tính từ năm 1961. Trạm Láng ngày 19/5/2019 lên tới hơn 41 độ C.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo ngày 9/6, nhiệt độ Hà Nội cao nhất lên 38, sau đó duy trì 35-36 đến cuối tuần. Ban đêm, mức nhiệt giảm còn 28.
Dự báo xa nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến 9 trên cả nước cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 0,5-1 độ. Các đợt nắng nóng tập trung cuối tháng 5 đến tháng 7 ở Bắc Bộ, từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 8 ở Bắc và Trung Trung Bộ.