Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến ngày 30/7, số điểm bán này gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa và 455 chợ truyền thống đang hoạt động. Thời gian mở/đóng cửa của các điểm bán hàng tại Hà Nội dao động trong khung giờ 6-22 giờ hàng ngày.
Ngoài hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay tạp hóa, hiện 63 cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị mẹ & bé Kid Plaza tại Hà Nội cũng tham gia bán thêm thực phẩm, trái cây trong mùa dịch.
Ngoài kênh bán trực tiếp, các điểm bán hàng thiết yếu (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini...) cung cấp thêm thông tin số điện thoại hoặc website, mạng xã hội... để người dân đặt mua trực tuyến (online).
Ghi nhận tại hệ thống siêu thị ở Hà Nội ngày 30/7, lương thực, thực phẩm dồi dào, giá bán ổn định. Tuy nhiên, giá một số rau xanh (nhất là củ, quả), trứng gia cầm (trứng gà, vịt) đều tăng so với trước. Hiện mỗi kg bí xanh tại các chợ 30.000 - 35.000 đồng một kg; khoai tây 30.000 đồng mỗi kg (tăng 5.000 đồng); trứng gà 45.000 - 50.000 đồng một chục (tăng 10.000 - 15.000 đồng)...
Trong văn bản cách đây 2 ngày, UBND thành phố yêu cầu ngành Công Thương khuyến khích các điểm bán hàng thiết yếu mở cửa 24/24 giờ nếu cần thiết, trên cơ sở đảm bảo quy định chống dịch, nhằm giãn cách không tập trung đông người vào một thời điểm.
Với các chợ, thành phố yêu cầu giãn cách các quầy bán hàng thiết yếu, bảo đảm khoảng cách và yêu cầu về phòng, chống dịch. Các chợ đầu mối phải bố trí địa điểm trung chuyển hàng hóa, yêu cầu tiểu thương giãn thời gian giao nhận hàng để tránh tập trung đông người, hàng hóa ùn lại trong các giờ cao điểm.
Ban quản lý các chợ cũng được yêu cầu rà soát vị trí các khu đất trống để sẵn sàng bố trí cho các tiểu thương di chuyển địa điểm khi chợ bị dừng hoạt động vì có ca nhiễm nCoV.
Anh Minh