Hạn chế ra ngoài khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chị Loan (Hà Đông) đặt mua rau củ, thịt bò qua ứng dụng trực tuyến của một siêu thị. Đơn hàng được xác nhận nhanh chóng, song phía siêu thị thông báo thời gian giao hàng có thể bị ảnh hưởng do hiện tại số lượng đơn hàng tăng đột biến.
Gọi điện lại xác nhận với siêu thị, chị được giải thích là đang thiếu shipper giao hàng trong khi số lượng đơn quá nhiều nên khả năng đơn đặt cuối giờ sẽ khó nhận trong ngày.
Một số người khác cũng cho biết tình trạng đặt đơn online tại các siêu thị ở Hà Nội ngày hôm nay không bị nghẽn nhưng thời gian giao nhận hàng chậm.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, các đơn hàng online của hệ thống này tại Hà Nội tăng gấp 5 lần so với trước khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội từ 0h ngày 24/7.
Lượng dự trữ hàng tại từng điểm bán của hệ thống BRG Mart cũng tăng 300% và gấp 10 lần ở kho trung tâm, chủ yếu là 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá (gạo, thịt gà, trứng gà, bún mỳ phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả...).
Tương tự, hai ngày qua, ghi nhận của hệ thống siêu thị Aeon tại Hà Nội cho thấy lượng đơn hàng mua qua các kênh online tăng 200-300%.
Phía VinMart và VinMart+ cũng cho hay, lượng khách đặt hàng online, dịch vụ đi chợ hộ hay qua các ứng dụng điện tử... tăng 2,5 lần so với những ngày chưa giãn cách xã hội.
Do đơn đặt hàng trực tuyến tăng mạnh, tình trạng giao hàng chậm hơn dự kiến có xảy ra. Để đảm bảo việc giao hàng thông suốt khi lượng đơn tăng đột biến, ông Dũng cho hay, hệ thống này phải huy động thêm nhân viên nội bộ, các bộ phận khác tham gia vào việc giao hàng mảng online. Việc giao hàng nếu chậm hơn dự kiến cũng được siêu thị thông báo trước với khách hàng để chủ động trong việc nhận hàng.
"Đơn hàng tăng cao nên chúng tôi phải ghép đơn, đi hàng theo tuyến để kịp giao cho khách nhằm tối ưu hoá việc giao, vận chuyển hàng", ông Dũng chia sẻ.
VinMart và VinMart+ cũng cho biết đã bổ sung thêm nhân viên nội bộ, phục vụ giao hàng mảng online, nên tình hình giao hàng chậm sẽ được khắc phục trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết đang gặp khó trong khâu vận chuyển hàng cho khách khi Hà Nội "siết" hoạt động của các nhân viên giao hàng và cấm các shipper công nghệ hoạt động trong thời gian giãn cách.
Để được hoạt động, các đơn vị như siêu thị, bưu chính... phải gửi danh sách nhân viên giao nhận và chịu trách nhiệm quản lý công tác phòng dịch về Sở Giao thông Vận tải. "Từ thứ Sáu tuần trước, doanh nghiệp tôi đã gửi danh sách đăng ký đội ngũ nhân viên vận chuyển hàng về Sở Giao thông vận tải nhưng tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi", ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, các đơn hàng giao ở khu vực giáp ranh với Hà Nội cũng đang gặp vướng. Nguyên nhân là các chốt kiểm soát tại cửa ngõ thành phố đã xảy ra tình trạng ùn tắc, đồng thời yêu cầu tài xế (vận chuyển bằng xe tải nhỏ) phải có giấy xét nghiệm và giấy thông hành cho phương tiện, trong khi giấy thông hành và mã QR chưa được cấp kịp thời do nhu cầu đăng ký quá lớn.
Theo đại diện các siêu thị, họ mong Sở, ngành đẩy nhanh việc cấp mã, tin nhắn chứng nhận cho đội ngũ vận chuyển, tránh gián đoạn trong vận chuyển đơn hàng.
"Chúng tôi khá sốt ruột, vì đơn hàng trực tuyến ngày càng nhiều khi người dân bị hạn chế ra khỏi nhà. Đội ngũ vận chuyển hàng đang rất nỗ lực để giao kịp thời cho khách, nên nếu sớm được xác nhận từ cơ quan quản lý sẽ thuận tiện hơn cho doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Hiện Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa...phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thành phố cũng bố trí 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Nguyễn Hoài