Sáng 28/7, ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, quận Hoàng Mai phát sinh một ca nhiễm Covid-19, là người bán trứng tại chợ, do Công ty Hapro quản lý.
Tiểu thương này bị sốt tối ngày 26/7 và đi khám vào sáng 27/7 tại bệnh viện Thanh Nhà và phát hiện dương tính với Covid-19.
Chính quyền đã cho phong toả, dừng hoạt động chợ đầu mối, để khử khuẩn và truy vết từ 22h 27/7 cho đến khi có thông báo mới.
Y tế phường đã khẩn trương thực hiện công tác truy vết, khẩn trương xét nghiệm sàng lọc những người bán hàng tại chợ và thông báo tìm những người mua hàng liên quan để kiểm tra, theo dõi.
Đây là khu vực chợ đầu mối phía Nam, có đông người mua bán, do vậy ông Tâm cho biết, quận sẽ quyết liệt truy vết trong sáng hôm nay (28/7).
Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội là khu chợ đã hoạt động khoảng chục năm trở lại đây, nằm tại khu đô thị Đền Lừ, Hoàng Mai. Chợ bán các mặt hàng đa dạng, từ rau củ quả, thực phẩm, thủy hải sản đến quần áo, đồ gia dụng...
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay sau khi thành phố thông báo thực hiện giãn cách xã hội, Sở đã hướng dẫn công tác phòng dịch Covid-19, gửi ban quản lý các chợ và yêu cầu thực hiện nghiêm túc.
Theo đó, Sở này đề nghị các chợ có biện pháp kiểm soát người ra - vào chợ, biện pháp phòng dịch, tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (chiều vào, chiều ra khác nhau).
Tiểu thương bán hàng, người đến mua hàng phải khai báo y tế, giữ khoảng các an toàn khi tiếp xúc. Bố trí, chỉ định khu vực giao nhận hàng hoá gần cửa ra vào chợ, bố trí trang thiết bị, nhân lực khử khuẩn phương tiện, hàng hoá khu vực giao nhận hàng. Tại các gian hàng, giãn cách các hộ kinh doanh, kẻ vạch giãn cách giữa khách hàng, người bán...
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ với VnExpress, phương án đảm bảo an toàn cho chợ truyền thống, chợ dân sinh đã được kích hoạt.
Trường hợp có chợ truyền thống phát hiện ca nhiễm, phải đóng cửa tạm thời, sẽ xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Chợ đảm bảo an toàn thì cho mở lại, và nếu chưa thể mở lại, thành phố sẽ bố trí các điểm bán lưu động.
Các kênh phân phối khác hoạt động bình thường, nên lưu chuyển hàng hoá không ảnh hưởng, bảo đảm đủ hàng cho nhu cầu người dân.
Bà nói thêm, do các phương án phòng dịch tại chợ (chợ dân sinh, đầu mối) được kích hoạt nên khi có một chợ đóng cửa, việc phân luồng hàng hoá vẫn đảm bảo, nguồn cung hàng vẫn đầy đủ.
Hiện Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... Thành phố cũng bố trí 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Anh Minh - Tất Định