Chiều 5/9, 500 giấy đi đường đầu tiên được Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08) cấp cho cá nhân, tổ chức hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu.
PC08 nhận được mail đề nghị của Sở Công Thương cấp giấy cho hàng nghìn trường hợp. Cán bộ của Phòng liên tục nhận được các cuộc gọi từ các sở, ngành, doanh nghiệp hỏi về thủ tục. Để phục vụ cấp giấy đi đường, PC08 chuẩn bị 16 máy tính cài đặt sẵn phần mềm, hơn 54 cán bộ sẽ làm việc 24/24h.
Công an Hà Nội bắt đầu tham gia cấp giấy đi đường mẫu mới có QR code trong bối cảnh thành phố hết 45 ngày giãn cách vào 6/9. Thông báo về quy trình cấp mới với nhiều thay đổi ra ngày 5/9 khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ khi 6/9 là ngày đi làm đầu tuần, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Theo đó, PC08 sẽ cấp giấy đi đường cho các cán bộ, công chức, công nhân viên, người lao động của cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu.
Đại diện đơn vị làm việc với sở, ngành chủ quản để cung cấp thông tin, danh sách người lao động, lái xe (ôtô và xe máy) theo biểu mẫu. Sở, ngành sau đó thẩm định hồ sơ, tổng hợp danh sách những trường hợp đủ điều kiện cấp giấy gửi qua hệ thống thư điện tử gửi đề nghị cho PC08, không cần đến trực tiếp.
Căn cứ danh sách đề nghị, PC08 sẽ duyệt, in, ký và đóng dấu rồi gửi giấy về sở, ngành. Thời gian hoàn thành cấp một giấy đi đường trung bình từ 3 đến 5 phút.
Trong khi đó, việc cấp giấy đi đường theo mẫu mới cho người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ hoạt động công vụ hoặc công ích thiết yếu thuộc thẩm quyền của công an xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, việc duyệt do UBND cùng cấp thực hiện. Công an địa phương là nơi tiếp nhận, chuyển danh sách và nhận lại sau khi đã được duyệt để ký, đóng dấu và gửi trả phía có yêu cầu. Thông báo của Công an Hà Nội không nêu nêu thời hạn duyệt, cấp trong bao lâu kể từ khi các đơn vị gửi yêu cầu và tiêu chí đồng ý hoặc từ chối là gì.
Một ngày trôi qua, nhiều người thuộc diện phải cấp mới vẫn chưa liên hệ được với công an địa phương để được hướng dẫn. Anh An, chủ một nhà thuốc ở quận Hà Đông, cho biết hàng ngày bốn nhân viên vẫn phải di chuyển từ nhà đến cửa hàng, bắt buộc có giấy đi đường.
Sau "hướng dẫn chung chung" của cảnh sát khu vực, anh gửi danh sách nhân viên kèm theo thông tin công ty, bản sao đăng ký kinh doanh vào địa chỉ email của công an phường. Sau đó anh nhận được phản hồi: "Công an phường sẽ gửi uỷ ban phường phê duyệt, nếu cần bổ sung tài liệu sẽ thông báo sau".
21h ngày 5/9, 8 tiếng sau khi nộp hồ sơ, anh An liên hệ thì cảnh sát khu vực cho hay lượng hồ sơ quá lớn, uỷ ban chưa duyệt xong.
"Quy định của Hà Nội quá gấp lại vào đúng ngày nghỉ nên doanh nghiệp không kịp xoay xở. Hơn nữa thông báo về đối tượng được cấp và quy trình cũng rất khó hiểu", anh nói.
Chiều 5/9, tại một số trụ sở công an phường ở quận Cầu Giấy, Đống Đa, nhiều đại diện doanh nghiệp đến đăng ký làm giấy đi đường đều được thông báo liên hệ với cảnh sát khu vực nơi "đóng trụ sở" để hướng dẫn nộp hồ sơ qua email mà không phải đến trực tiếp.
Lãnh đạo Công an phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cho biết đã nhận hơn 580 hồ sơ của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn với gần 7.000 người đăng ký làm giấy đi đường. Danh sách này đang được UBND phường thẩm định, chưa chuyển về.
Tại trụ sở công an xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) khi một số người dân đến hỏi về diện được cấp giấy đi đường, đơn vị thông báo sẽ có hướng dẫn cụ thể về từng thôn, xóm. Trước cửa phòng làm việc của công an xã dán hướng dẫn hồ sơ cấp giấy đi đường gồm: họ tên, số chứng minh hoặc căn cước công dân, tuyến đường đi, ngành nghề, ngày đi, khung giờ đi đường và địa chỉ email nhận đề nghị. Công an xã Cự Khê mới nhận hồ sơ chứ chưa cấp giấy đi đường cho bất kỳ đơn vị nào.
Trong hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải cũng ghi nhận nhiều đơn vị sân bay liên hệ với công an địa phương nhưng đều chưa nhận được hướng dẫn cấp giấy đi đường cho nhân viên đi làm việc. Nếu việc cấp giấy không kịp thời thì phần lớn nhân viên không thể đến sân bay làm việc, ảnh hưởng tới việc duy trì an ninh, an toàn hàng không và hoạt động của các chuyến bay.
Ngày 6/9, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo phương án phân ba vùng (vùng 1, 2 và 3 tương ứng vùng đỏ, cam và xanh). Các lực lượng sẽ kiểm soát giấy đi đường của người di chuyển giữa các vùng ở 22 chốt vùng 1.
Tối 5/9 tại cuộc họp Giao ban Sở Chỉ huy thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết trong ngày 6-7/9, hai ngày đầu thực hiện quy định giấy đi đường mới, các lực lượng chức năng "chưa xử phạt mà chỉ kiểm tra nhắc nhở".
Việc chưa xử phạt được lý giải để "chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp".
Chủ tịch Hà Nội cho rằng, biện pháp cấp giấy đi đường là "vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ". Nhưng với quan điểm mục tiêu quản lý vùng 1 thực chất hơn, giảm lượng người ra đường, thành phố xác định "làm quyết liệt nhưng không cầu toàn". Từ việc lưu thông của người dân theo giấy đi đường mới, Hà Nội sẽ phân tích để đưa ra "biện pháp tối ưu". Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ Tổng đài 1022 - nhánh 4 để được hướng dẫn.
Hôm nay, trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với các địa phương, Thủ tướng nói Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng khi ban hành quy định phòng chống dịch "chưa tính toán kỹ lưỡng một số mặt", nổi lên nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa.
Hà Nội đã qua 3 đợt giãn cách liên tiếp (45 ngày) nhưng số ca mắc mới vẫn cao, trung bình 50-70 ca/ngày. Trên địa bàn thành phố vẫn còn các ổ dịch phức tạp như Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân; Văn Chương, Văn Miếu, quận Đống Đa... và xuất hiện các ổ dịch mới.
Tính từ đợt dịch thứ tư (ngày 27/4 đến nay) thành phố ghi nhận 3.527 ca, trong đó 1.563 ca mắc ngoài cộng đồng, 1.964 là ca mắc ở những trường hợp đã được cách ly.
Phạm Dự - Gia Chính - Võ Hải