Thông tin được ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ lao động khó khăn do đại dịch ngày 12/8.
Sở đang nghiên cứu một số nhóm như hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội. Ngoài ra còn có giáo viên trường trường tư thục, bởi nhiều người không được cơ sở ký hợp đồng, không đóng BHXH, chỉ làm thời vụ. Nhóm này không đủ điều kiện hưởng chính sách của lao động ngừng việc, giãn việc vì yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan BHXH. Các nhóm còn lại, Sở đang lấy ý kiến quận huyện để bổ sung. Đây là chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố, nằm ngoài Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) của Chính phủ.
"Đây là những lao động thực sự khó khăn mà ngành lao động thành phố quan tâm. Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội đã có văn bản trình Thường trực Thành ủy, thường trực HĐND xin chủ trương. Nếu được thông qua, chúng tôi sẽ cho ban hành sớm nhất, có thể là trong tuần sau", ông Dân nói.
Thống kê đến sáng 12/8, toàn thành phố đã duyệt chi kinh phí hỗ trợ hơn 152 tỷ đồng, thực hiện chi trả trên 143 tỷ đồng cho lao động, doanh nghiệp khó khăn.
Hà Nội giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 88.250 đơn vị với 1,47 triệu lao động, kinh phí hơn 101 tỷ đồng; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí tử tuất cho 34 đơn vị, hơn 2.900 lao động, số tiền 20,57 tỷ đồng; phê duyệt hồ sơ cho 1.123 lao động tạm hoãn hợp đồng nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí 4,7 tỷ đồng; hỗ trợ 16 lao động ngừng việc số tiền 25 triệu đồng; hỗ trợ cho gần 19.500 F0, F1, trẻ em.
Chính sách cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội mới phê duyệt hồ sơ 2 đơn vị với hơn 2.400 lao động, số tiền 10,72 tỷ đồng, song mới chi cho một doanh nghiệp 5,5 tỷ để trả cho 1.246 lao động.
Riêng ba chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, lao động phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp, các đơn vị chưa nhận được hồ sơ nào. Về hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, Sở Du lịch Hà Nội mới phê duyệt được một hồ sơ.
Nhóm lao động tự do, các quận huyện đã phê duyệt chi trả cho 5.170 người với kinh phí 7,75 tỷ đồng. Việc hỗ trợ cho nhóm này đang gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội. Thực tế cũng cho thấy nhiều lao động khó nhận được 1,5 triệu đồng bởi thủ tục quy định chặt chẽ, yêu cầu xin xác nhận không hưởng tại nơi thường trú để hưởng tại nơi tạm trú và ngược lại. Nhiều lao động tự do cũng không có đăng ký tạm trú để được vào danh sách hỗ trợ.
Hồng Chiêu