Trung bình một tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1.700 ca nhiễm một ngày - gấp đôi so với tuần trước, và số ca nặng đang tăng dần. Tính đến 26/12, Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ghi nhận 197 ca tử vong, đa số đều mắc bệnh nền và chưa tiêm vaccine.
Trước tình hình đó, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong cho bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, mỗi cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 phải sẵn sàng điều trị hai tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển mức độ bệnh.
Tất cả bệnh viện không được từ chối bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch, đảm bảo F0 được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất. Sau khi sức khỏe của bệnh nhân ổn định, bệnh viện khám, phân loại mức độ bệnh và đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp. Các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh.
Người đến viện khám, chữa bệnh được sàng lọc kỹ; ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao gồm người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng Covid-19.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo tất cả người dân khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã để được hướng dẫn và xét nghiệm miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19.
Các chuyên gia đề nghị thành phố cần xử lý nghiêm người vi phạm quy định phòng chống dịch; đồng thời có giải pháp bảo vệ nhóm nguy cơ, người cao tuổi, có bệnh nền để kiểm soát số ca nặng, giảm tử vong.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19) đề nghị "đừng chuyển toàn bộ F0 vào bệnh viện" để giảm áp lực quá tải. Các trạm y tế lưu động phải có người thường trực 24/24 để trả lời thắc mắc cho F0 điều trị tại nhà, có thể huy động thêm y tế tư nhân, tình nguyện viên, bác sĩ về hưu tham gia. Y tế lưu động đảm bảo thiết bị cần thiết như SpO2, máy đo oxy, có quyền chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Tổ Covid cộng đồng ở thôn, bản, xã phường, ban quản lý chung cư, tổ dân phố... giám sát F0 ở nhiều vấn đề khác như trấn an tâm lý, nhu cầu ăn nghỉ, sinh hoạt.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm khuẩn thần kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 1) khuyến cáo nhóm người lớn tuổi, bệnh nền khi có cơ hội tiêm bổ sung và tiêm nhắc mũi thứ 3 thì cần tiêm sớm. Nhóm này đáp ứng miễn dịch kém hơn, tiêm xong hai mũi cơ bản vẫn có nguy cơ mắc và trở nặng. Chính quyền cần triển khai quyết liệt chiến lược "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", thậm chí tổ chức tiêm vaccine lưu động cho nhóm dễ bị tổn thương, đảm bảo tất cả đều được vaccine bảo vệ.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 26/12, thành phố đã tiêm hơn 11 triệu mũi. Trong đó, kết quả tiêm cho người trên 18 tuổi mũi một đạt 98,3%; mũi hai đạt 94,7%. Kết quả tiêm cho trẻ 12-14 tuổi, số lượng mũi một đạt 98,1%; trẻ 15-17 tuổi tiêm mũi một đạt 99,2%.
Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 39.409 ca nhiễm, trong đó số cộng đồng là 14.333 ca, còn lại là trong khu cách ly.
Thùy An - Thúy Quỳnh