Chiều 21/12, trạm y tế phường Định Công còn 3 nhân viên y tế trực, 6 người khác đã đi tiêm chủng. Chị Mai Thị Thanh Hợp, nhân viên trạm, giọng khản đặc, cố hướng dẫn qua lớp khẩu trang về cách khai báo y tế và lịch trình di chuyển cho người test nhanh dương tính tại nhà, rồi chỉ hướng đi tới phòng cách ly chờ xét nghiệm RT-PCR. Ở phòng khác, chuông điện thoại réo vang liên tục. Chị Hợp nhờ một sinh viên y khoa trực tại bàn tiếp dân rồi đi vào phòng, trả lời điện thoại, 3 phút sau quay lại, hướng dẫn sinh viên cách tư vấn y tế.
"Hơn một tháng rồi họng không khỏi khản đặc vì ngày nào cũng nói nhiều quá", chị Hợp nói, bàn tay thoăn thoắt sắp xếp giấy tờ.
Qua nửa tiếng, hơn 10 người dân được tư vấn y tế, bao gồm người nghi nhiễm, F1 và người tiếp xúc. Đến 4h chiều 21/12, trạm ghi nhận 14 F0, ít hơn hai ca so với hôm trước và 17 ca so với hôm 19/12. Toàn địa bàn phường đã ghi nhận 300 F0, trong đó 28 người đang điều trị tại trạm y tế lưu động.
Nữ nhân viên khác liên tục thu dọn khu vực tiếp dân, nhận bản khai báo y tế, chuyển người chuyên trách chung về Covid-19 để tổng hợp, làm báo cáo nhập vào máy tính. Hồ sơ trên bàn làm việc xếp thành một chồng cao, cách vài phút lại có thêm giấy tờ mới cần xử lý.
Chị Hợp kể 9 người đã làm việc từ hôm 30/4 đến nay không có ngày nghỉ. Từ cuối tháng 9, khối lượng công việc ở trạm y tế dần trở nên căng thẳng vì cần chia nhân lực cho tiêm chủng vaccine. Mỗi người phải làm việc từ 7h sáng và kết thúc khi quá nửa đêm, chỉ kịp về nhà tắm rồi đi ngủ, đến nỗi đã quên mất khái niệm ngày tháng, lễ tết. 16h chiều họ nhận kết quả xét nghiệm từ CDC gửi về, rồi tiếp tục lấy mẫu, truy vết, có khi đến tận 2h sáng hôm sau mới xong.
Người chuyên trách nhập liệu đôi khi chỉ ngủ được 2-3 tiếng một ngày, đến bữa quên ăn và không thể rời khỏi máy tính vì có quá nhiều giấy tờ, vài ngày mới về nhà một lần. Nếu số F0 tăng quá cao, người trực thức trắng đêm sắp xếp mẫu bệnh phẩm để gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) xét nghiệm.
Theo quy trình tiếp nhận F0 của Sở Y tế, người dân có triệu chứng nghi ngờ hoặc xét nghiệm dương tính không được tự ý di chuyển, phải thông báo và chờ đợi nhân viên y tế phường đến lấy mẫu xét nghiệm. Khi số lượng F0 tăng nhanh, trạm y tế không đủ nhân lực, họ phải hẹn người dân tới trạm để xét nghiệm và phân loại. F0 nhẹ, không triệu chứng sẽ được phát thuốc loại A và theo dõi tại nhà hoặc phân vào trạm y tế lưu động.
Không có nam giới hỗ trợ, chị em phải làm cả những công việc nặng nhọc. Đến đêm, họ thu gom rác thải y tế và chở đến khu vực tiêu hủy ở khu đô thị Linh Đàm hoặc mang vác bình oxy, các vật tư y tế để tiêm chủng. Nếu có F0 cần hỗ trợ tại nhà, kíp hai người sẽ mang theo bộ bảo hộ đến tận nơi theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ cấp cứu 115 chuyển đến bệnh viện. Nếu số F0 tăng quá cao, họ phải thức tới 2-3h sáng để hoàn chỉnh các mẫu xét nghiệm RT-PCR gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội.
Chị Trần Thị Nhàn (Trưởng trạm) cho biết mọi người phải cố gắng làm hết công việc của một ngày. Nếu để đến hôm sau, công việc bị dồn lại, có thể bỏ sót F0 và khiến họ không có mã số bệnh nhân. Khi đó, người bệnh không được bảo hiểm và nhà nước không giải quyết phí điều trị.
Vào 3 ngày "nhạy cảm" của kỳ kinh nguyệt, 9 chị em càng mệt mỏi hơn. Chị Nhàn kể bụng đau người mỏi cùng với cảm giác mặc bộ đồ bảo hộ rất khó chịu khiến họ mệt không thể đứng vững hoặc nhắc nhở mọi người xếp hàng đúng khoảng cách và giữ trật tự.
"Nhân lực ít, công việc nhiều, mọi người vẫn phải cố gắng thôi. Chúng tôi đã chia ca kíp để nghỉ ngơi, song thi thoảng giữa ca tranh thủ chợp mắt 5-10 phút là sướng lắm", chị Nhàn nói.
Áp lực lớn nhất với 9 chị em là người dân tới trạm không hợp tác. Một số người tỏ thái độ khó chịu, phàn nàn vì phải cách ly ở nhà do liên quan F0 hoặc khi được yêu cầu tra lại ngày tháng cụ thể đã tiếp xúc F0. Một số nổi giận khi chậm có kết quả test PCR; dùng mạng xã hội phản ánh nhân viên không chăm sóc, không thăm hỏi dù đã có số điện thoại của y bác sĩ và nằm trong nhóm hỗ trợ y tế online qua zalo của trạm. Vài người báo bận, không đi tiêm khi đến lịch, rồi tự hẹn ngày đến điểm tiêm và gây náo loạn, đe dọa để được tiêm chủng. Có người trách móc "ăn lương nhà nước thì phải làm việc" khiến chị Hợp cảm thấy rất tủi thân.
Theo chị Hợp, các nữ nhân viên trong trạm đều có hoàn cảnh gia đình. Con thứ hai của chị Hợp mới 14 tháng tuổi đã phải tách mẹ. Một nhân viên khác nhà ở Long Biên, mỗi ngày đều cố gắng đi hơn chục kilomet để về nhà. Nhân viên nhập liệu thường ngày 2-3h sáng mới xong việc, có chồng mắc bệnh mạn tính phải đi viện quanh năm. Còn chị Nhàn không về nhà ít nhất một tháng, lâu đến nỗi con chó không nhận ra chủ, sủa to khi chị về.
"Có hôm nhiều việc quá, tôi đã hết ca làm nhưng không thể về vì không nỡ để chị em một mình ở lại xoay sở. Đến khi xong xuôi và ngồi lại ăn với nhau một bát mì tôm, mọi người tự nhiên cảm thấy tủi thân, rồi khóc vì nhớ con lắm", chị Nhàn nói.
Khó khăn về nhân lực cho y tế phường là tình trạng chung tại quận Hoàng Mai và Hà Nội trong bối cảnh F0 liên tục tăng cao. Các bệnh viện tuyến cuối thay vì chỉ điều trị ca nặng thì tiếp nhận cả F0 nhẹ hoặc không triệu chứng để giảm áp lực cho các cơ sở y tế khác. Mỗi ngày, quận ghi nhận hơn 100 ca nhiễm ở cộng đồng và khu cách ly. Còn toàn thành phố đã 6 ngày liên tiếp có hơn 1.000 F0 mới, trong đó hôm 22/12 ghi nhận nhiều nhất với 1.704 ca.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng phòng Y tế, cho biết đã báo cáo Sở Y tế và UBND TP Hà Nội. Các giải pháp đang được cân nhắc để khắc phục phần nào khó khăn, trước mắt đã huy động được 120 sinh viên của trường Cao đẳng Y tế Hà Nội hỗ trợ, động viên nhân viên y tế các trạm cố gắng làm việc. Quận đang cân nhắc giải pháp huy động thêm tổ y tế học đường ở các trường và lực lượng y bác sĩ sống trên địa bàn tham gia.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn của HĐND thành phố sáng 9/12, đã ghi nhận sự quá tải, khó khăn ở trạm y tế cơ sở, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị xuống cấp. Sở Y tế thành phố đưa ra một số chính sách thu hút và đãi ngộ, tăng thu nhập, đào tạo nhân lực đầu vào... đồng thời kêu gọi thêm nhân lực y tế từ sinh viên hay người nghỉ hưu hỗ trợ.
Chị trưởng trạm y tế phường Định Công cho biết có thêm 9 sinh viên hỗ trợ từ tối 20/12, áp lực công việc đã giảm đi nhiều. Chị phân công 5 người theo đoàn tiêm chủng, 4 người ở lại trạm hỗ trợ trực điện thoại, tư vấn F0 và các công việc khác. Phường Định Công thành lập thêm một tổ phản ứng nhanh gồm công an, đoàn thanh niên, quân sự để hỗ trợ truy vết, vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết; mời bác sĩ về hưu vào tổ hỗ trợ tư vấn F0 tại nhà, đã có 6 người tình nguyện tham gia.
Song, số nhân lực vẫn còn quá mỏng so với khối lượng công việc đồ sộ. Lúc này, bác sĩ Nhàn cùng các nhân viên trạm y tế vẫn mong mỏi được hỗ trợ thêm về người, hiện vật để chống dịch, chị em ở trạm y tế có thêm thời gian ở bên con nhỏ và gia đình.
Giữa khó khăn, họ động viên nhau để trụ lại với nghề. "Tôi vẫn cố làm việc vì yêu nghề, đã chọn thì phải chấp nhận. Nếu cứ gian truân lại từ bỏ thì chẳng làm được nghề gì nữa", chị Hợp nói.
Chi Lê