Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận, ngày 19/11 cho biết đang rà soát danh mục thuốc, thiết bị y tế, dự trù nguồn nhân lực cho các trạm lưu động.
Cách đây một tuần, bác sĩ Tuấn cho biết, vấn đề huy động địa điểm và lực lượng y tế cho trạm lưu động còn khó khăn. Nguyên nhân là lực lượng y tế không phụ trách cơ sở vật chất trên địa bàn, phụ thuộc vào sự sắp xếp, chuẩn bị của chính quyền phường. Trong khi đó, địa điểm đặt trạm cần ở khu công cộng, dễ tiếp cận và có không gian lớn. Về nhân lực, trung tâm mới đảm bảo đủ người cho các trạm y tế cố định để chống Covid-19, cần huy động y bác sĩ từ các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn hoặc từ phòng khám đa khoa tư nhân. Song, địa bàn quận chưa có F0 điều trị, cách ly tại nhà, do đó Trung tâm Y tế Đống Đa tạm thời dự trù trước nhân sự và trang thiết bị, thuốc bằng danh mục.
Tại thị xã Sơn Tây, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng phòng Y tế, cho biết xã sẽ thành lập 17 trạm y tế lưu động, trong đó đã diễn tập trạm lưu động ở Trường Tiểu học Viên Sơn hôm 10/11. Mỗi trạm có 5 nhân viên y tế gồm một bác sĩ và 4 y tá, điều dưỡng; quản lý khoảng 50 F0 nhẹ, không triệu chứng và khoảng 150 F1. Số lượng nhân sự y tế và F0, F1 phụ thuộc vào tình hình cụ thể của các địa bàn.
Sơn Tây cũng dự kiến lựa chọn các nhà văn hóa hoặc trường học chưa tiếp nhận học sinh hoặc các địa điểm công cộng có diện tích lớn để đặt trạm y tế lưu động và di chuyển trạm theo tình hình Covid-19.
"Nguyên nhân là trạm vẫn cần các không gian lưu động để khám, phân luồng người F0 và bệnh nhân thường, hoạt động khác như tuyên truyền phòng, chống dịch, nghỉ giữa ca trực...", ông Sơn nói.
Theo Sở Y tế Hà Nội, các trạm y tế được thành lập dựa trên yêu cầu chung từ Bộ Y tế, có nhiệm vụ quản lý, theo dõi F0 tại nhà và cộng đồng, xét nghiệm, tiêm chủng vaccine đồng thời khám và cấp thuốc cho những bệnh khác. Tương tự với TP HCM, mỗi phường, xã có một trạm y tế lưu động. Dự kiến toàn thành phố có tổng cộng 508 trạm lưu động, trong đó 20 trạm đặt ở đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Mô hình trạm y tế lưu động không mới, đã được áp dụng tại Bình Dương và TP HCM từ hồi tháng 8. Các trạm sẽ quản lý, chăm sóc người bệnh cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận y tế. Các trung tâm y tế quận, huyện đóng vai trò chủ đạo trong tham mưu thành lập và vận hành các trạm y tế lưu động.
Song, khác với TP HCM, các trạm y tế lưu động tại Hà Nội chưa hoạt động, một số trạm mới chỉ diễn tập do thành phố chưa có chủ trương cách ly, điều trị F0 tại nhà. Hà Nội đã thành lập 5 cơ sở thu dung, điều trị F0 nhẹ tại quận, huyện, xem như thí điểm thu dung, điều trị F0 tại địa phương. Theo bác sĩ Tuấn, các trạm y tế lưu động sẽ sẵn sàng ghép vào với 5 cơ sở thu dung, điều trị này ngay khi số ca nhiễm tăng quá cao.
Vì vậy, các trạm lưu động cũng chưa chuẩn bị các túi thuốc cho F0 tại nhà như TP HCM. Ông Sơn cho biết các trạm y tế lưu động cũng sẽ cấp phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà theo nguyên tắc chung. Tuy nhiên kế hoạch cụ thể cần thuốc như thế nào, bao nhiêu và sẽ phát tới người dân theo hình thức nào chưa được nêu rõ.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP HCM đánh giá Hà Nội thành lập các trạm y tế lưu động kịp thời sẽ giúp chủ động ứng phó với Covid-19. Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm từ TP HCM và các tỉnh có dịch để kiện toàn trạm y tế lưu động hơn. Trong đó, cần đặc biệt chú ý ba yêu cầu về nhân lực y tế, trang thiết bị và hỗ trợ.
Nhân lực y tế và cơ cấu được quyết định phụ thuộc vào quy mô và nhiệm vụ của trạm y tế lưu động. Ví dụ ở TP HCM, một trạm khi làm việc có tối thiểu 3 nhân viên y tế. Số lượng người này phù hợp để thay phiên xử trí các tình huống như chuyển người bệnh đi, cung cấp hỗ trợ oxy. Trong đó có một bác sĩ, còn lại là y sĩ hay điều dưỡng, để đáp ứng với các tình huống cấp cứu, điều trị cho người dân trên địa bàn khi mỗi trạm cần quản lý tới vài chục F0.
Vấn đề tiếp theo cần chú ý là đảm bảo đủ trang thiết bị hỗ trợ y tế. Ở các trạm của TP HCM có lúc bị thiếu máy đo SpO2 (độ bão hòa oxy máu) để cho bệnh nhân giữ tại nhà trong thời gian mắc bệnh. Đây là thiết bị rất hiệu quả trong theo dõi và giảm nguy cơ tử vong ở người F0. Căn cứ trên kết quả hiển thị của máy đo SpO2, nhân viên y tế có thể nắm bắt ngay tình trạng của người bệnh để kịp thời hỗ trợ và trấn an. Thiết bị cũng hỗ trợ phát hiện tình trạng hạ oxy thầm lặng ở F0 - tình trạng nhiều bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện khó thở dù bị tổn thương phổi nặng và suy hô hấp.
"Nếu chúng ta có thể trang bị và cho người bệnh mượn khi cần thiết sẽ giúp theo dõi F0 tại nhà tốt hơn. Ngoài ra, các trạm y tế còn cần các phương tiện cơ bản khác như thuốc, thiết bị đo nhiệt độ, huyết áp, bình oxy...", phó giáo sư Dũng nói.
Cuối cùng là hỗ trợ người bệnh. 80% người mắc Covid-19 không triệu chứng, nhẹ, họ vẫn cần được chăm sóc và hỗ trợ y tế kịp thời. Lúc này, trạm y tế lưu động cần liên kết và huấn luyện tổ Covid-19 cộng đồng hoặc tổ phản ứng nhanh Covid-19 trợ giúp chăm sóc và phát thuốc cho F0 tại nhà. Nhóm nhân viên y tế còn cần gắn kết với một bệnh viện tuyến trên để sẵn sàng tiếp nhận ngay người có dấu hiệu trở nặng hoặc ca khó cần cấp cứu y tế.
Tối 19/11, Bộ Y tế công bố Hà Nội thêm 287 ca nhiễm, nâng tổng số ca tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 lên 7.336. Giới chức y tế thành phố nhận định dịch đang diễn biến phức tạp, xu hướng tăng ca nhiễm, nhiều ca trở nặng, nhiều xã, phường đổi màu nâng cấp độ dịch. Từ ngày 16/11, Hà Nội triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, song F0 vẫn điều trị tập trung, chưa cho phép điều trị tại nhà. Đây là lý do các trạm y tế vẫn chưa hoạt động.
Chi Lê