Đây là lần đầu tiên Hà Nội triển khai mô hình trạm y tế lưu động. Mô hình này được Bộ Y tế áp dụng ở các tỉnh phía Nam từ giữa tháng 8, đặc biệt là TP HCM và Bình Dương - hai vùng dịch lớn nhất vừa qua, nhằm chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Riêng TP HCM đã lập hơn 400 trạm y tế lưu động, chăm sóc và điều trị hiệu quả F0 tại nhà, góp phần kiểm soát dịch trên địa bàn.
Trả lời VnExpress sáng 12/11, ông Trần Văn Chung (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội), cho biết căn cứ tình hình thực tế diễn biến dịch, UBND quận, huyện, thị xã chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị, thuốc... thiết lập trạm y tế lưu động. 30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án lập trạm, phân công nhân sự phụ trách. Các trạm này sẽ hoạt động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng trong cộng đồng.
"Song, với tình hình dịch bệnh tại Hà Nội lúc này, trạm y tế lưu động chưa cần thiết vì số F0 rải rác tại nhiều quận, huyện chứ không bùng mạnh ở một khu vực nhất định nào", ông Chung nói và cho biết thêm hiện các cơ sở y tế vẫn đáp ứng được số lượng người bệnh, theo ông Chung.
Thành phố hiện cũng chưa có kế hoạch cách ly điều trị F0 tại nhà. Giới chức y tế cho rằng thành phố vẫn có đủ nguồn lực để cách ly, điều trị tập trung F1 và F0. Chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng, thành phố mới tính đến phương án cách ly người không triệu chứng tại nhà.
Ông Chung cho rằng khi mô hình trạm y tế lưu động phát triển sẽ trở thành "cánh tay nối dài" cho cơ sở y tế; giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị Covid-19.
Theo Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19 của Bộ Y tế, trạm có chức năng triển khai hoạt động phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng; kết nối giữa chăm sóc, quản lý F0 tại nhà với bệnh viện; phát hiện ca diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến... bệnh thông thường người dân.
Trạm y tế lưu động chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi F0 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm; tiêm chủng vaccine; truyền thông về Covid-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác... Mỗi trạm có 5 nhân viên y tế gồm một người nắm rõ địa bàn, còn lại huy động từ các bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập.
Trạm phải được trang bị đủ thuốc men, trang thiết bị cần thiết, đặc biệt là chuẩn bị đẩy đủ bình oxy để kịp thời cứu chữa bệnh nhân suy hô hấp, trở nặng.
Một tháng chuyển sang chiến lược "thích ứng với Covid-19", Hà Nội ghi nhận thêm 1.429 ca nhiễm, tính đến ngày 11/11, không tính ca nhập cảnh - trung bình 50 ca một ngày. Giới chức y tế thành phố cho biết trước mắt, lực lượng y tế tiếp tục tăng cường, giám sát, linh hoạt xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc "nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy".