Đề nghị này được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội đưa ra trong bối cảnh hàng loạt chợ đầu mối, chợ dân sinh và siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng do liên quan các ca nhiễm Covid-19.
Theo đó, Sở này đề nghị dùng bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số vị trí khác tại huyện Gia lâm làm điểm trung chuyển nông sản, hàng hoá thiết yếu.
Ngoài ra, sở này còn đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, đề xuất với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thành phố sử dụng Trung tâm Xúc tiến thương mại của bộ tại quận Cầu Giấy làm nơi tập kết trung chuyển hàng từ các tỉnh, giảm tải cho chợ đầu mối.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng được đề nghị có phương án bố trí hàng, thực phẩm nông, lâm thuỷ sản từ các tỉnh về Hà Nội, phục vụ người dân và sản xuất kinh doanh.
Sở Giao thông Vận tải được đề nghị hỗ trợ giải quyết nhanh nhất việc xác nhận cho các xe chuyên chở hàng hóa thiết yếu, như thực phẩm, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Chia sẻ với VnExpress, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần lập ngay chợ đầu mối tạm, chợ đầu mối dã chiến, hay kho trữ hàng dã chiến tại các khu đất trống trong nội thành hoặc ở các quận ngoại thành như Long Biên, Gia Lâm... Việc này giúp thay thế cho các chợ đầu mối đóng cửa, các tiểu thương có nơi tập kết, luân chuyển hàng, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Hiện Hà Nội có 458 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối nông sản và một số chợ có tính chất đầu mối. Hiện 20 chợ truyền thống và đầu mối (chợ đầu mối phía Nam, Minh Khai, Long Biên) cùng 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi đóng cửa do liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 khiến cung ứng nông sản gặp khó khăn. Giá một số mặt hàng thực phẩm, rau xanh tại các chợ dân sinh đã bắt đầu tăng.
Anh Minh